Người hàng phố

10:19 | 07/02/2018
Trước nay tôi vốn ao ước ở bên cạnh nhà mình là những người hàng xóm, họ không những đông con mà còn rất vui tính. Nhưng như người đời thường nói, ghét của nào trời trao của ấy, hàng xóm mới dọn tới là một cặp vợ chồng già.
nguoi hang pho Một đời thương nhớ
nguoi hang pho Ngày xưa chẳng về

Nghe đâu trước khi nghỉ hưu và dọn tới làm hàng xóm với nhà tôi cặp vợ chồng này là những người có chức tước, cỡ cấp vụ gì đó, họ nghỉ hưu và chuyển tới đây, một khu tập thể cũ ẩn trong một ngõ cụt, con ngõ vốn nhỏ nằm thầm khuất trên một con phố cứ vào cuối chiều là vắng ngoe vắng ngắt. Đâu như họ nói, thích ở nơi này vì nó tĩnh.

Buổi sáng họ dọn tới, tức là sáng thứ hai cách đây ba tuần, rất đơn giản, chỉ một chuyến xe tải nhẹ là hết đồ. Người đâu mà ít đồ đạc vậy? chắc chủ yếu là quần áo và vật dụng cá nhân? tôi nhíu mắt nghĩ thầm và lặng lẽ quan sát họ. Thực ra như vợ tôi đã nói tối hôm qua “Đồ đạc chủ cũ để lại đầy đủ cả”. Người chồng bước tới đầu tiên, ông thong thả tra chiếc chìa kháo vào ổ khóa trên cánh cửa. Sau tiếng "kẹt" kéo dài cánh cửa đã lâu ngày không mở ra mở vào được đẩy ra.

nguoi hang pho

Vẫn là người chồng đi những bước đầu tiên. Ông ta vào trong nhà với thái độ hờ hững. Chắc ông ta coi việc cất đồ hay dọn dẹp nhà cửa là việc của bà vợ? Ông bước vào hẳn nhà và công việc đầu tiên trong ngôi nhà mới là ông với tay kéo chiếc ghế Xuân Hòa chủ cũ đã dựng như chờ sẵn. Ông mở ghế rồi ngồi ngay ngắn trước màn hình ti vi 32inch, nét mặt rất chăm chú, mải theo dõi chương trình gì trên đó bởi hình như ông này không bật tiếng hoặc giả thì cũng bật rất nhỏ.

Người vào nhà sau cùng là bà vợ, một người đàn bà gày đét khác hẳn ông chồng to béo. Người vợ bước lọt qua cánh cửa đã bị người chồng khép hờ, khe cửa nhỏ nhưng không sao, với vóc dáng nhỏ gày người vợ dễ dàng vào trong nhà. Việc đầu tiên là người vợ lại bên chiếc bàn gỗ mun đen bóng. Bà cũng thong thả nhưng là cách thong thả của người vợ, bà mở túi đeo vai rồi lấy ra một chai nước lọc, bà cẩn trọng rót nước vào chiếc ca cũng được lấy ra từ chiếc túi đeo vai và đưa tới trước mặt ông chồng to béo ngồi như phật ngồi “anh uống thuốc đi, đến giờ uống rồi”.

Giơ tay phải đón ly nước, chìa tay trái nhận mấy viên thuốc dạng con nhộng, người chồng không vội uống ngay, mọi sự chú ý của ông đang được dồn hết vào màn hình ti vi. Người vợ hơi ngần ngừ nhìn ly nước chưa uống trên tay người chồng. Ngần ngừ thoáng chốc rồi theo bản năng rất thiên chức, người vợ bước nhanh vào khu bếp.

Tôi không quan sát được thêm gì nữa. Vả lại nhòm ngó vào nhà người khác vô cùng bất tiện. Hơn nữa cánh cửa ra vào căn hộ cũng đã khép chặt. Tuyệt nhiên không có tiếng thầm thì trao đổi hay tiếng loa ti vi. Cánh cửa khép lại đã đóng kín mọi âm thanh. Thực ra nếu cánh cửa không đóng kín thì cũng chẳng ai nghe được một âm thanh gì sất. Cặp vợ chồng già sống khá kín đáo và trật tự. Tôi nhíu mày, hình như họ không thích giao tiếp “Chán quá em ạ” tôi ngán ngẩm than phiền với vợ khi quay vào nhà “mình thích vui vẻ nhưng nào ông trời có chiều lòng”. “Không sao mà anh” vợ tôi an ủi “nhà nào có cách thức sống riêng của nhà ấy”.

***

Sáng sớm hôm sau ngày hàng xóm dọn đến, buổi sáng chủ nhật, tiếng chuông cửa nhà tôi reo hai quãng gọi ngắn. Tuy ngắn nhưng cũng đủ lay tỉnh tôi trên chiếc giường còn ấm hơi vợ. “Chắc là cô bán gà” vợ tôi định níu tay tôi kéo xuống nằm thêm chút nữa nhưng như chợt nhớ ra “anh dậy nhanh lên, chiều qua em gọi điện nhắn cô bán gà sáng nay mang cho mình đôi gà mái đẻ một lứa. Anh nhớ là trưa nay nhà mình có việc chứ”. Vợ tôi nói như vậy vì yên tâm về sự khẳng định chắc chắn đấy là tiếng chuông gọi cửa là của cô bán gà “trưa nay nhà mình làm nồi lẩu mời bên ngoại”.

Hơi tiếc rẻ chiếc giường ấm áp nhưng rõ ràng "nhiệm vụ" vợ giao là quan trọng hơn cả, tôi đành ậm ừ hắng giọng đáp tiếng chuông reo gọi cửa. “Chào anh” bà hàng xóm, bây giờ sẽ gọi là bà hàng xóm, cất tiếng chào bằng thứ giọng miền Trung pha miền Bắc “đêm hôm qua bên nhà anh dội nước vệ sinh ầm ĩ quá”. Tôi thực sự chau mày tỏ vẻ khó chịu ra mặt, không lẽ mới sáng sớm bà hàng xóm qua đây chỉ để nhắc nhở việc nhà người ta thôi ư? “anh thông cảm - bà hàng xóm lại nhỏ nhẹ bằng chất giọng pha nghe rất khó chịu - anh thông cảm ông nhà tôi bị cao huyết áp”. Bà hàng xóm dừng lại như để nghĩ xem nói tiếp hay thôi “ông nhà tôi từng một lần bị tai biến nhẹ nên cần sự yên tĩnh”.

Rõ bực mình nhưng lời trách kiêm lời đề nghị không phải là không có lý, tôi gật đầu xác nhận đã hiểu ý tứ của bà hàng xóm. Thì ra lý do họ chuyển tới đây sinh sống là như vậy. Tôi nói với vợ sau khi bà hàng xóm đã trở về bên nhà “họ muốn mình trật tự”. Vợ tôi ngấm nguýt đuôi mắt nhưng tỏ ra thông cảm “xem ra anh buồn bực chuyện hàng xóm mới cũng có cái đúng của nó đấy”.

***

Ở khu tập thể này cư dân ban đầu là những cán bộ của ngành văn hóa thông tin. Tuy nhiên theo năm tháng cư dân cùng lối sống dần chuyển đổi. Tôi nhận thức được điều đó nhưng không thể không nói về sự khó chịu của mình. Đành rằng người đã thay người nhưng sống ở khu tập thể cũng phải vui vẻ chứ. Vợ tôi cười cười về nỗi băn khoăn của tôi “anh quan tâm làm gì, việc nhà ai nhà nấy tỏ”. Từ sáng đó tôi "cạch hẳn" nghĩa là không ngó ngàng gì tới chuyện bên cạnh nhà mình có cặp vợ chồng già sống kín đáo và trật tự cho tới một sáng nữa. Cũng sớm như buổi sáng tôi đang nằm tận hưởng hơi ấm trên giường, lại reo lên hai hồi chuông gọi cửa ngắn.

Còn gì nữa đây. Tôi như sắp quát lên khi trước mặt tôi là bà hàng xóm gày khô, bà nói "chào anh" bằng giọng miền Trung pha miền Bắc. Bà hàng xóm hơi so người lại trước thái độ giận dữ của tôi. “Tối qua bên anh thức khuya, lại mắng con ... mắng con nhiều quá, trẻ con nó hiếu động càng mắng nó càng nghịch”. Tôi đốp luôn “Bà không phải dạy” tôi đốp bằng thứ giọng đã ghìm nhưng toát đầy bực tức. “Vâng - vẫn cái giọng pha nghe rất khó chịu - vâng biết thế nhưng vẫn muốn đề nghị anh cho các cháu đi ngủ sớm và.. . và đừng mắng chúng nó quá”.

Thật không thể chịu nổi, tôi vẫn giữ thái độ không hài lòng với bà hàng xóm khi quay vào và nói với vợ “bà ta có cái quyền gì chứ mà nay yêu cầu mai đề nghị”. “Thôi mà anh”. Hình như phụ nữ luôn biết cách nhu mì, vợ tôi lựa lời “người ta đã cất lời thì mình cũng lắng nghe chứ”. Ngày xưa đâu có thế. Tôi thầm tiếc và nhớ cái thời khu tập thể cũ này còn toàn những người không cùng cơ quan thì cũng cùng công việc. Dù sao thì ngày xưa cũng tốt hơn. Tôi vớt vát nói cố khi con mắt của vợ tôi đang nguýt dài rất ...níu kéo. “Anh mắng con ầm ầm đến em còn khó nghe nữa là”. “Thì sao, trẻ con bây giờ không quát ầm lên chúng đâu có nghe ngay- tôi cự lại – “tại em nữa, em chiều con nên nó hư”. “Ơ hay, con của anh nữa chứ đâu chỉ con của mình em”.

Tôi bỏ ra ngoài cửa. Châm điếu thuốc lá rít mấy hơi rồi cố ý thả khói mù mịt về phía cánh cửa chưa kịp đóng chặt bên nhà hàng xóm. Làn khói xanh lơ lượn vòng vèo rồi chui tuột và cái cửa khe hở đó. Trong nhà vang vội tiếng dép và tiếp đó là tiếng cánh cửa khép nghe "kẹt". Chắc là họ biết chừng, không dây nên đóng chặt cửa là thượng sách. Tôi khoái ra mặt và lại tiếp tục thả khói mù mịt.

Bỗng trong nhà tôi nghe như có tiếng ai vừa ngã. Tôi bật quay phắt người nhao vội vào. Chắc hai thằng con nghịch ngợm gì đây? phen này không quát to thì đét vài cái vào đít. Tôi phác vội ý định sau tiếng như tiếng ai vừa ngã. Vợ tôi ngã quay dưới nền nhà, mặt mày tím tái, chân tay co quắp. Không ổn rồi, mình làm gì đây? nỗi lo lắng thực sự khiến tôi há hốc mồm vài giây. Sao tự dưng lại xẩy ra nông nỗi này? một loạt câu hỏi dồn dập đưa tới, nó làm tôi đã bối rối lại thêm rối bời. “Thằng kia - tôi quát thằng con trai lớn lên chín tuổi - chạy ra cửa hô xem có ai vào giúp bố mau lên”.

Người có mặt đầu tiên sau tiếng hô thất thanh ngoài cửa của thằng con trai tôi lại chính là bà hàng xóm. Bà hàng xóm gày đét lao vào nhanh như một mũi tên. “Để cô ấy nằm nguyên đó - vẫn cái giọng miền Trung pha miền Bắc nghe rất khó chịu “lấy cho tôi cái kim khâu”.

Tôi biến thành một cái máy, tắp lự thực hiện khẩu lệnh, bà hàng xóm nhanh chóng chọc mũi kim khâu vào mười đầu ngón tay vợ tôi. Chọc ngón tay nào là bà bóp mạnh đầu ngón tay đó nặn bật ra những giọt máu đỏ tươi. Tiếp đó là động tác đâm mũi kim vào hai dái tai. Lại bóp mạnh, tôi tái nhợt như kẻ vừa bị nặn máu chứ không phải là vợ tôi. “Được rồi - bà hàng xóm lại ra lệnh - đặt đầu cô ấy nghiêng sang trái, được, cứ thế, nhớ giữ đầu cô ấy cho vững”.

Nửa giờ sau thì xe cấp cứu tới tôi tấp tểnh định xốc vợ lên thì bà hàng xóm giơ tay “Để họ khênh cáng. Khênh từ từ thôi. Vội không được. Tôi đi theo xe cùng cô ấy, anh đi sau, nhớ mang nhiều tiền, vào bệnh viện mang thiếu tiền hỏng việc như chơi”. Bà hàng xóm chắc nịch cứ như bà mới là người có quyền lúc này.

***

Việc diễn ra gọn gàng còn hơn một sự toan tính. Chỉ sau 5 hôm nằm viện vợ tôi đã hoàn toàn bình phục. Tôi nắm chặt bàn tay bà hàng xóm gày đét, nói trong khóe mắt rân rấn nước “May là có bác, nếu không thì”. Vẫn là cái giọng miền Trung pha miền Bắc nghe rất khó chịu “có gì đâu, người hàng phố với nhau cả”.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này