Mong Tết xưa sẽ quay về

07:27 | 15/02/2018
Cứ mỗi dịp hoa đào, hoa mai khoe sắc là lúc báo hiệu xuân về, người Việt chúng ta lại bước vào một cái Tết cổ truyền sum vầy. Tuy nhiên, cũng là chữ Tết, nhưng tết Nguyên Đán nay có vẻ đã “nhạt” hơn những Tết xưa. 
mong tet xua se quay ve 5 phiên chợ đậm không khí Tết không nên bỏ lỡ ở Hà thành
mong tet xua se quay ve Ký ức Tết thời mậu dịch
mong tet xua se quay ve Nhớ Tết xưa

Cũng đúng thôi, vì Tết nay đang nằm trong dòng chảy của nền kinh tế đang chuyển đổi, hội nhập quốc tế toàn diện. Do đó, chỉ khi nào nền kinh tế phát triển ở mức cao hơn, tin tưởng chắc chắn rằng những giá trị văn hóa truyền thống lại quay về từ muôn vạn nẻo đường.

mong tet xua se quay ve

Tết xưa

Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lâu đời, trong đó Tết là một trong những sự kiện quan trọng nhất. Theo diễn tiến thời gian, chiều 30 Tết là một khoảng thời gian hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với người Việt. Mọi người tề tựu về bên đại gia đình của mình cùng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, cùng ăn bữa cơm tất niên chung vui. Đây là mốc thời gian đánh dấu những ngày lễ Tết chính thức được bắt đầu.

Đêm 30 Tết, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng cùng chờ đợi thời khắc giao thừa. Lũ trẻ con thì chăm chú lắng nghe bà kể chuyện bánh chưng, bánh dày mà quên đi giấc ngủ thường nhật. Và, cuối cùng thì cái thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy cũng đã đến, năm mới, xuân mới cũng đã sang, ông bà phát cho con cháu tiền lì xì mừng tuổi đầu năm, ai hay chữ nghĩa thì khai bút, còn lại thì đi hái lộc, xin lộc đầu năm…

Sáng mùng Một Tết, đa số dành thời gian cho gia đình, làm mâm cơm cúng tổ tiên; sau đó ông, bà, bố mẹ đưa con cái đến thắp hương cho dòng họ; mang lễ vật sang nhà các bác… các lễ nghi ngày Tết đối với tổ tiên. Xong thì người lớn, trẻ con đều tham gia vào các trò chơi dân gian. Trong đó, môn đánh đu, chơi xà keo, thi nấu cơm là không thể thiếu. Còn ở thành phố thì đi vãn cảnh, thăm bà con, anh em, họ hàng bạn bè…

Tết nay

Tết xưa là vậy nhưng Tết nay đã khác lắm rồi. Vẫn bánh chưng đấy, kẹo mứt đấy…nhưng hiếm có ai tự làm ra. Một trăm người trẻ dù nông thôn hay thành thị thì chắc chắn phải có ít nhất trên chín mươi người biết sử dụng thành thạo internet, nhưng cũng trăm người ấy chưa chắc chỉ có 1/10 trong số họ biết gói bánh chưng chứ chưa nói biết làm những thứ bánh phức tạp ngày Tết khác. Dòng chảy khắc nghiệt của thời gian và sự hội nhập, biết sao đây, song trong sâu thẳm vẫn đượm buồn.

Tết ngày nay chỉ thấy thiên hạ bàn nhiều đến chuyện thưởng Tết, nghỉ Tết là chính, cái Tết đúng nghĩa ngày xưa đã biến đổi rất nhiều, ngay cả cái lễ nghĩa ngày Tết cũng bị đảo lộn lên cả: “Mồng Một Tết Cha. Mồng hai Tết Mẹ. Mồng ba Tết Thầy”. Nay, chưa Tết những ai làm trong các cơ quan, công sở lo ngay ngáy chuyện đi ngoại giao Tết. Sau đó, mới tất bật ra phố mua sắm cho mình.

Ai có quê hương, còn bố mẹ thì về, không thì lo đi du lịch chơi Tết. Thôn quê, Tết giờ cũng hiếm trò chơi, mà có trò chơi như đánh đu cũng vắng hoe người. Tiếng lợn lêu lúc mờ sáng, do mấy nhà chung nhau mổ con lợn ăn Tết hay hì hục kỳ cọ lá gói bánh giờ cũng thưa hơn. Những nơi làng lên phố, hay thôn quê nhà ai kinh tế khá giả, hoặc con cái đi xa cũng “ra chợ” xách về tuốt. Tết thời kinh tế mở, đâm ra cái gì cũng thị trường thành ra Tết nhạt.

Và Tết xưa sẽ quay trở lại

Ngồi ăn Tết nay, trong tôi thầm nghĩ, có lẽ đây chỉ là tính tất yếu của những quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi, chứ không riêng gì Việt Nam. Chắc chắn, khi mọi thứ tiếp cận ngưỡng văn hóa, hay kinh tế nào đó, những giá trị đích thực về văn hóa của dân tộc lại hiện về. Và đây chính là niềm tự hào quốc gia sẽ không bao giờ bị đánh đổi.

Vẫn biết, cách mạng công nghiệp 4.0 hay sự thay đổi của công nghệ có “chóng mặt” thế nào thì đó vẫn là mẫu số chung thành tựu của toàn nhân loại, còn văn hóa là mẫu số riêng về tâm thế của dân tộc đó. Chẳng thế, hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc… họ vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa trong dân chúng một cách tuyệt vời.

Bởi thế, một lần nữa với tôi, sau sự xáo trộn của nền kinh tế đang chuyển đổi, khi giới trẻ đã hội tụ quá đủ tinh túy của văn hóa khắp năm châu, thì cũng đồng thời giới trẻ lại tìm về với giá trị văn hóa của riêng mình, văn hóa mang tên Việt Nam.

Nói một cách ngắn gọn, giống như chàng trai, cô gái đến tuổi trưởng thành họ ra đi tìm đến những chân trời mới để học hỏi, cảm nhận những nền văn minh mới, nhưng một ngày đẹp trời mới chợt nhận ra và thức tỉnh chẳng đâu bằng quê hương mình, chẳng đâu bằng chính ngôi nhà đã sinh ra mình. Do đó, dù vật đổi sao dời thế nào đi chăng nữa, tin tưởng chắc chắn rằng một ngày nào đó, Tết sẽ về đúng giá trị thực của nó.

Hải Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này