Tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm

17:47 | 13/01/2018
Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, song ở một số địa phương vẫn liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như: tiêm thuốc an thần, bơm nước vào lợn trước khi giết mổ… Đáng chú ý, một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh các chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide trong “bột dinh dưỡng cao đạm” để đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gây tồn dư trên động vật, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng...
tang cuong kiem soat chat luong an toan thuc pham Bắt xe khách chở hơn nửa tấn nội tạng bẩn
tang cuong kiem soat chat luong an toan thuc pham Phát hiện cơ sở sản xuất dấm bằng axit công nghiệp và nước lã
tang cuong kiem soat chat luong an toan thuc pham Phát hiện gần 400 kg chả cá có hàn the
tang cuong kiem soat chat luong an toan thuc pham Thu giữ 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ
tang cuong kiem soat chat luong an toan thuc pham Hà Nội: Hơn 1 tấn nội tạng động vật bốc mùi hôi thối chuẩn bị lên bàn nhậu
tang cuong kiem soat chat luong an toan thuc pham
Cán bộ cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng thủy, hải sản tại chợ Long Biên (Hà Nội).

Còn nhiều vi phạm

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến cuối năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện 30 vụ vi phạm bơm nước vào gia súc, gia cầm và buôn bán thịt bơm nước tại chợ, ở các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Đác Lắc, Quảng Nam... Đồng thời, qua kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh vật và tồn dư thuốc thú y trong thịt có 2.880 trong số 13.217 (21,79%) mẫu thịt tươi tại cơ sở giết mổ, kinh doanh không đạt yêu cầu chỉ tiêu vi sinh vật, kháng sinh, tăng 13,49% so năm 2016. Còn tại Hà Nội, trong năm qua, Chi cục Thú y thành phố phối hợp các ngành liên quan kiểm tra 18.496 lượt cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, xử lý vi phạm 1.530 trường hợp (tăng 9,4% so năm trước), với số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng.

Trong tháng 12-2017, cơ quan chức năng kiểm tra và bắt quả tang và phạt 60 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ lợn của bà Phạm Thị Thu Thanh (ấp 3, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) về hành vi bơm nước vào lợn trước khi giết mổ. Tại hiện trường, có 38 con lợn đã bị bơm nước và còn 60 con trong chuồng, chuẩn bị giết mổ và vận chuyển đi tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, là vụ việc tại nhà bà Nguyễn Thị Nhẫn (ở khu phố Tân Thắng, phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có năm thùng xốp và sáu tủ đông lạnh lớn chứa khoảng 650 con lợn sữa đã qua giết mổ với tổng trọng lượng khoảng gần 1,3 tấn. Làm việc với lực lượng kiểm tra, bà Nhẫn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và bảo quản sản phẩm động vật không đúng nơi quy định. Theo lời khai của bà Nhẫn, số lợn sữa này được thu mua từ tỉnh Bình Định về tích trữ để chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Cơ quan công an đã phối hợp Chi cục Thú y tỉnh, Trạm Thú y thị xã Dĩ An lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật…

Ngoài ra còn có hàng trăm tấn thực phẩm, nội tạng động vật thiu thối, hỏng được thu gom, qua “công nghệ tẩy mầu - mùi” đến tay người tiêu dùng tại các chợ, nhà hàng, bếp ăn tập thể. Thực tế nêu trên khiến dư luận xã hội lo ngại, bởi sử dụng thực phẩm “bẩn” sẽ làm tổn hại sức khỏe con người và ảnh hưởng đến giống nòi.

Kiên quyết ngăn chặn thực phẩm “bẩn”

Có nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế là do cơ chế phối hợp giữa các bộ liên quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế còn lỏng lẻo. Các văn bản về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã ban hành còn chồng chéo, chưa thống nhất. Lực lượng cán bộ ở cơ sở “mỏng”, nhất là ở tuyến huyện, có khi một người kiêm nhiều việc dẫn tới hiệu quả thấp. Trang, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra còn thiếu, không thể đánh giá đúng chất lượng, cho nên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Còn nhiều kẽ hở trong công tác kiểm tra, xử lý về VSATTP; mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp Tổng cục Thủy sản rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, bảo đảm không sử dụng các chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide. Đồng thời yêu cầu Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y, Viện Chăn nuôi có ý kiến về ba chất nêu trên, tác dụng của chúng đối với vật nuôi và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm động vật có chứa chúng. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, bảo vệ người chăn nuôi, sức khỏe người dân và chống hành vi nhập lậu, gian lận thương mại.

Cùng với đó, Bộ cũng vừa có Chỉ thị số 10548/CT-BNN-QLCL về Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Theo đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ các quy định bảo đảm VSATTP. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông về các sản phẩm không bảo đảm VSATTP để người dân biết, tránh sử dụng.

Về lâu dài, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, cần xây dựng thêm các chuỗi nông sản bảo đảm VSATTP, thông tin để nhân dân biết. Có cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia. Muốn có sản phẩm sạch, chúng ta cần tổ chức các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Hiện, khâu hướng dẫn tiêu thụ còn yếu, mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và chế biến, chỉ dẫn về sản phẩm nông sản an toàn cho người dân. Mặt khác, các ngành có liên quan cần vào cuộc sát sao, quyết liệt hơn. Mỗi đơn vị được giao trách nhiệm, cần nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Áp dụng các hình thức xử phạt mạnh hơn, nghiêm hơn để xử lý sai phạm.

Theo Anh Phường/Báo Nhân dân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này