Sẽ khá hơn!

17:43 | 12/01/2018
- Chú nghĩ thế nào về thay đổi mức độ hài lòng của bệnh nhân sau 2 năm đổi mới thái độ phục vụ bệnh nhân của ngành Y tế?
se kha hon Đúng thế, bác ạ!
se kha hon Bàn về chuyện “nóng”
se kha hon Ước không phải ước gì

- Có chuyển biến, song vẫn còn nhiều điều đáng bàn lắm bác ơi.

- Nhiều năm nay những bức xúc của người dân đối với ngành y tế được ví như căn bệnh trầm kha, vậy nên nếu có chuyển biến cũng phải từ từ, không thể phát động đổi mới là đổi mới ngay được.

- Vẫn biết thế, dưng nếu nói như bác, nhiều căn bệnh hiểm nghèo, nhiều sự cố hy hữu, với tiến bộ của khoa học, đội ngũ y, bác sĩ của ta đã giành lại được sự sống cho bao người, vậy căn bệnh trầm kha về những bức xúc đối với ngành Y tại sao không chữa dứt điểm được.

- Phải nói rằng anh Y tế ban hành tiêu chí chấm điểm mức độ hài lòng theo 5 nhóm tiêu chí từ tiếp cận đến cung cấp dịch vụ đối với các cơ sở y tế và đội ngũ cán bộ y tế là rất kịp thời và cần thiết. Đến các cơ sở y tế bây giờ, những bức xúc của người bệnh giảm đáng kể.

-Tất nhiên có phát động có hơn, song như cái cam kết “không phong bì” tại các bệnh viện đó, phát động coi như “pháp lệnh” vậy mà bác thấy đã giảm được chưa?

-Nếu chú nói vẫn nơi này nơi khác còn nhũng nhiễu đòi “phong bì” mới “hết lòng với người bệnh thì tớ chịu, chứ giảm chắc chắn là có.

-Ngoài những bệnh thông thường, chứ em thấy hễ bệnh nặng phải nằm viện thế nào cũng phải có cái khoản “phong bì”. Đến hộ lý, y tá mà chưa có “phong bì” mức độ phục vụ cũng có phần chưa chuẩn nữa là.

-Nạn “phong bì” thì chả cứ anh Y tế, anh nào cứ dính với cơ chế xin – cho đều có cả. Nói đến anh y tế có lẽ phải nói đến cái khoản khám BHYT. Về lĩnh vực này rõ ràng còn nhiều điều đáng phàn nàn lắm.

-Chưa nói chuyện cấp thuốc cho anh có BHYT với anh khám dịch vụ chênh lệch đáng kể mà ngay bác sĩ khám cũng có phân biệt. Nhiều cơ sở y tế có phòng khám BHYT riêng, phòng khám dịch vụ riêng. Mà bác sĩ ở phòng khám dịch vụ thường có “tay nghề” cao hơn khám BHYT.

-Hôm trước đến một bệnh viện, tớ còn thấy phân biệt 3 mức độ cơ. Ngoài khám dịch vụ, khám BHYT còn có khám theo yêu cầu. Mà cái nơi khám theo yêu cầu trông cứ như khách sạn có sao ý, lại toàn thấy gọi vào phòng giáo sư nọ, giáo sư kia.

-Thì các cụ nhà mình chả có câu “tiền nào của ấy” mà bác. Nhiều tiền thì phải hơn chứ.

-Ai chả biết vậy, dưng tớ vẫn thấy ngậm ngùi cho kẻ ít tiền. Cũng là sinh mệnh con người mà có khi vì không có, hoặc ít tiền mà chịu thiệt thân.

-Bác so sánh vậy thì vô cùng. Sao tất cả không đi máy bay, ô tô mà lại có người đi xe đạp, xe máy…?

-Tớ đâu có so sánh vậy mà cứ nghĩ, chả nhẽ các giáo sư, tiến sĩ được Nhà nước đào tạo thành tài mà chỉ có thời gian để phục vụ “theo yêu cầu”?

-Ấy, nếu bác nói vậy e chưa chuẩn. Nhiều ca nặng, bất kể bệnh nhân là ai, giầu nghèo thế nào lại chả phải mời các giáo sư, tiến sĩ giỏi hội chẩn.

-Lý thuyết là thế, song để các giáo sư, tiến sĩ sắp xếp được thời gian tham gia hội chẩn cũng là cả vấn đề. Không “phong bì” thì cũng phải có quan hệ.

-Đó chỉ là hiện tượng, đâu phải bản chất. Trong thực tế có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ cứu sống nhiều bệnh nhân hết sức “bình thường”.

-Quay lại câu chuyện đổi mới thái độ phục vụ bệnh nhân trong ngành Y tế, tớ thấy cũng cần nói thêm ở nhiều khía cạnh. Ví như gần đây có chuyện bệnh nhân bị gây khó dễ ngay ở khâu bảo vệ bệnh viện, nhiều vụ xô xát đã xảy ra từ nguyên nhân anh bảo vệ…

-Đổi mới thái độ phục vụ đâu chỉ có chuyện phục vụ ân tình, mà đổi mới ngay cả khâu cấp phát thuốc. Chứ niềm nở mà kê toàn thuốc ngoại đắt tiền (chưa cần thiết) rồi hướng dẫn bệnh nhân ra cửa hàng thuốc X, Y gì đó để mua thì sao bệnh nhân có thể hài lòng được.

-Bác nói đúng, hay như cũng một bệnh mà khám dịch vụ có thuốc khác, khám BHYT thuốc khác cũng cần đổi mới.

-Nếu cứ nói về đổi mới thì còn nhiều lắm. Hy vọng cái “đổi mới thái độ” này ban hành sau 2 năm đã có chuyển biến, thì sau 5 năm sẽ khá hơn!

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này