Biển hiệu "sính ngoại" trên phố phường Hà Nội:

Phạt mạnh để không nhờn luật

11:22 | 29/12/2017
“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới chào đời”, vậy mà nhiều năm nay, biển hiệu quảng cáo sử dụng tiếng nước ngoài vẫn cứ tràn ngập trên các tuyến phố ở Hà Nội. Vấn đề tưởng nhỏ, nhưng thực chất rất lớn, vì nó ảnh hưởng lớn đến nhận thức văn hóa của cộng đồng.
phat manh de khong nhon luat Xuất hiện biến tướng tại tuyến phố kiểu mẫu
phat manh de khong nhon luat Hà Nội chốt danh sách 155 bảng quảng cáo độc lập sẽ bị tháo dỡ
phat manh de khong nhon luat Biển hiệu quảng cáo và những thăng trầm

Hội nhập và phát triển nên ngày càng có đông đảo người nước ngoài đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc và du lịch. Cùng với đó, các hoạt động dịch vụ hướng tới đối tượng là người nước ngoài cũng vì thế mà phát triển mạnh mẽ kéo theo các cửa hàng, cửa hiệu mọc lên nhiều như nấm.

phat manh de khong nhon luat
Biển hiệu toàn tiếng nước ngoài trên phố Thái Hà.

Mặc dù Luật Quảng cáo đã quy định cụ thể giới hạn và cách thức sử dụng chữ nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo, song các chủ của hàng vẫn “nhắm mắt làm ngơ”, còn cơ quan chức năng thì lại xem nhẹ công tác quản lý. Điều này dẫn đến tình trạng các biển hiệu quảng cáo bằng tiếng nước ngoài được dựng lên tràn lan trên khắp các tuyến phố, khu dân cư. Trên rất nhiều biển quảng cáo, chữ viết bằng tiếng nước ngoài lấn át chữ Việt. Thậm chí, có những trường hợp, biển quảng cáo chỉ toàn chữ nước ngoài mà không có một chút chữ Việt nào.

Dạo một vòng quanh khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm, không khó để mọi người bắt gặp những tấm biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài...được treo hoành tráng, bắt mắt ở khắp mọi nơi. Tương tự, trên những tuyến phố như Cầu Giấy, Kim Mã, Hoàng Đạo Thúy…các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, siêu thị có biển tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật cũng mọc lên nhiều nhan nhản. Hay như khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) từ lâu đã được mệnh danh là “phố Hàn Quốc” giữa lòng Thủ đô. Theo khảo sát của PV, tại khu vực này có hàng trăm nhà hàng, quán ăn, siêu thị sử dụng biển hiệu, biển quảng cáo với ngôn ngữ chủ đạo là tiếng Hàn Quốc.

Đáng nói, ngoài những nhãn hiệu hàng hóa từ nước ngoài không thể việt hóa thì vẫn có rất nhiều các biển hiệu như Coffee & Drinks, Design, Shoes, Shop Men, Beauty Salon Hair… Những tên gọi này hoàn toàn có thể diễn đạt được bằng tiếng Việt nhưng vẫn được các chủ cửa hàng “tiếng Anh hóa” để nghe cho “sang” và hợp “mốt”. Thậm chí có những từ còn “nửa Tây nửa ta”, cả người nước ngoài và người Việt Nam đều không dịch được nghĩa là gì.

Không phải tự nhiên mà pháp luật nước ta lại có những quy định về sử dụng chữ viết trên các biển hiệu quảng cáo. Được biết, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều sử dụng ngôn ngữ của họ trên biển hiệu. Đó được xem là quy định của pháp luật và tất cả mọi người đều tự giác chấp hành một cách nghiêm túc. Tại các thành phố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... bảng hiệu quảng cáo hay nhãn hiệu hàng hóa bao giờ tiếng mẹ đẻ cũng được viết đậm ở vị trí trang trọng nhất còn chữ nước ngoài chỉ là thêm và bị đặt ở vị trí thứ yếu.

Trao đổi về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Hãng Luật Cộng đồng) cho biết: Luật Quảng cáo hiện nay rất rõ ràng, vừa có khuynh hướng giữ gìn bản sắc Việt nhưng hoàn toàn không bó buộc sự hội nhập. Điều 18, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo nêu rõ trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

“Như vậy, điều kiện bắt buộc về chữ viết trong biển quảng cáo là phải có nội dung được thể hiện bằng tiếng Việt. Ngoài ra tùy từng trường hợp vẫn được thể hiện song song tiếng Việt và tiếng nước ngoài nhưng phải đáp ứng đúng quy định của pháp luật” – Luật sư An nhấn mạnh. Luật Quảng cáo đã có những quy định về chữ viết trên các biển quảng cáo. Tuy nhiên, các vi phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn ra khá phố biến. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý những sai phạm này rất khó. Theo Luật sư An, việc phát hiện ra các hành vi vi phạm là dễ dàng nhìn thấy, cái khó là chế tài xử phạt chưa có tính răn đe, sự quản lý còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng khó xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm.

“Để hạn chế tình trạng trên cần tăng chế tài xử phạt đối với đối tượng vi phạm hoặc bổ sung thêm hình thức tạm đình chỉ quảng cáo của doanh nghiệp đó trong một thời gian nhất định; thắt chặt quản lý, ban hành thêm chế tài đối với hành vi buông lỏng quản lý để tình trạng vi phạm tiếp diễn mà không biết hoặc làm ngơ với sự vi phạm; thanh tra và đề xuất điều tra tham nhũng của cán bộ quản lý đối với việc tiếp tay hoặc tạo điều kiện cho hành vi vi phạm của cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo” – Luật sư An cho biết thêm.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này