Chung tay khôi phục dòng tranh dân gian của Thủ đô

14:24 | 16/12/2017
Đoàn công tác của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm trưởng đoàn vừa có chuyến khảo sát và làm việc với UBND xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và công tác phục hồi, sản xuất tranh dân gian Kim Hoàng. 
chung tay khoi phuc dong tranh dan gian cua thu do Tôn vinh áo dài nam truyền thống
chung tay khoi phuc dong tranh dan gian cua thu do Hát Cửa đình được khôi phục sau 60 năm vắng bóng
chung tay khoi phuc dong tranh dan gian cua thu do Để linh vật Việt đến gần công chúng

Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ 18. Theo sách Đồ Họa cổ Việt Nam, dân làng này di cư từ Thanh Hóa ra Bắc năm 1701 gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Nhận thấy tranh Đông Hồ chỉ đủ cung ứng cho mạn Hà Bắc, Hải Dương, Nam Định, tranh Hàng Trống chỉ đủ cho Hà Nội và không thích ứng lắm với nông dân cả về thẩm mỹ và túi tiền, họ quyết tâm tạo ra dòng tranh mới kết hợp cả hai kỹ thuật Đông Hồ và Hàng Trống.

chung tay khoi phuc dong tranh dan gian cua thu do
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên làm việc với lãnh đạo địa phương xã Vân Canh, Hoài Đức. Ảnh: Phương Bùi.

Hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế trong làng đi đầu trong việc tổ chức vẽ và in tranh. Từ rằm tháng 11 âm lịch, làng bắt đầu làm tranh. Đầu tiên cúng tổ nghề sau đó ván in được trưởng phường giao cho dân làng in, in xong lại giao nộp lại cho trưởng phường. Năm 1915 nạn lụt lớn đã cuốn trôi rất nhiều ván in, tiếp theo là mất mùa, đói kém, dòng tranh này suy thoái đến năm 1945 thì mất hẳn.

chung tay khoi phuc dong tranh dan gian cua thu do
Nghệ nhân vẽ tranh Nghê - linh vật biểu tượng cho Tết Mậu Tuất năm nay. Ảnh: Phương Bùi.

Trước năm 2015, nhà sưu tầm Nguyễn Thu Hòa đã bắt đầu triển khai Dự án Khôi phục làng nghề Kim Hoàng. Tháng 11 năm 2016 một số bản tranh của làng Kim Hoàng đã được bán trên thị trường. Với tình yêu di sản, đau đáu với việc phục dựng lại dòng tranh này, bà Nguyễn Thu Hòa đã bỏ công sức hơn 3 năm qua nhằm phục hồi lại làng tranh. Tết Đinh Dậu- 2017, tranh Kim Hoàng đã xuất hiện trở lại và được công chúng đón nhận, các nhà chuyên môn đánh giá cao, dân làng Kim Hoàng ủng hộ bà Nguyễn Thu Hòa thực hiện dự án phục hồi nghề tranh.

Hiện nay, bên cạnh đình làng Kim Hoàng, bà Thu Hòa đã được chính quyền và nhân dân cho mượn địa điểm để làm nơi sản xuất, truyền dạy nghề làm tranh. Vừa qua, nghệ nhân của làng tranh Kim Hoàng đã sang Hàn Quốc để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Trong các mẫu tranh Kim Hoàng có nhiều mẫu là những linh vật như gà, lợn, ngựa.... và Tết 2018 năm nay, bà Hòa đã và đang nghiên cứu tạo ra mẫu tranh Nghê - Linh vật Việt nhằm quảng bá biểu tượng linh vật hưởng ứng Công văn 2662 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Nhằm động viên cá nhân bà Hòa- người đã đóng góp khôi phục nghề tranh, sự hưởng ứng Công văn 2662 cũng như quảng bá linh vật Nghê Việt trước thềm Tết Mậu Tuất (2018) và chuẩn bị cho sơ kết 3 năm Công văn 2662, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã trực tiếp thăm làng tranh Kim Hoàng và thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản truyền thống, với cá nhân và cộng đồng đang thực hiện việc giữ gìn truyền thống văn hóa.

Thứ trưởng khẳng định, việc phục hồi làng tranh Kim Hoàng là biểu hiện rõ sự chung tay, hưởng ứng của cộng đồng thực hiện tinh thần của Công văn số 2662 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 8/8/2014. Thứ trưởng mong muốn các cấp ngành, lãnh đạo điạ phương, nhân dân cùng chung tay gìn giữ di sản quý báu của Thủ đô, phát triển du lịch gắn liền với di sản.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này