Luồng gió mới cho sân khấu kịch Thủ đô

08:32 | 06/12/2017
Trong tháng 12, khán giả Thủ đô sẽ được thưởng thức vở kịch “Cơn ghen của Lọ Lem” do đoàn kịch LucTeam của thầy và trò NSƯT Trần Lực thành lập. Đây cũng là vở khai trương sân khấu tư nhân - theo đuổi trường phái biểu diễn bằng phương pháp ước lệ đầu tiên của Thủ đô.
luong gio moi cho san khau kich thu do Xây dựng tour du lịch kết hợp thưởng thức nghệ thuật: Hướng đi mới, hy vọng mới
luong gio moi cho san khau kich thu do Những đêm kịch Lưu Quang Vũ đỏ đèn dịp 2/9
luong gio moi cho san khau kich thu do Sân khấu nỗ lực kéo khán giả
luong gio moi cho san khau kich thu do Phim truyện thiếu nhi: “Cái khó” vẫn bó “cái khôn”
luong gio moi cho san khau kich thu do Sân khấu kịch nói: Loay hoay tìm kiếm kịch bản hay

Trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn, sự dấn thân này không chỉ cho thấy bản lĩnh mà còn là tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống ở người nghệ sĩ và lớp diễn viên trẻ.

Sân khấu tư nhân đầu tiên của Thủ đô

Trong khi sân khấu tư nhân miền Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh phát triển khá mạnh thì ở miền Bắc không mấy phát triển. Sự kiện ra mắt LucTeam đã giúp Trần Lực trở thành người khai phá đầu tiên cho sân khấu tư nhân ở Hà Nội. NSƯT Trần Lực chia sẻ rằng, sân khấu phía Bắc đã từng có một thời kỳ chiếm lĩnh thị trường, đó là vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80. Tuy nhiên, sự đổ bộ của phim ảnh, gameshow và các loại hình giải trí đã khiến cho sân khấu mất dần thế đứng. Nhưng với riêng Trần Lực, sân khấu vẫn nguyên giá trị. Nhiều nhà hát gần đây ra mắt vở mới với nỗ lực thay đổi để kéo khán giả trở lại rạp. Nhiều vở có dấu ấn, nhưng các nhà phê bình đều nhận thấy không nhiềuu đột phá. Trần Lực bước vào sân khấu tư nhân với phong cách ước lệ, từ không gian, thời gian cho tới phong cách biểu diễn của diễn viên. “Nghệ thuật phải lạ, hấp dẫn. Với suy nghĩ đó, tôi tin vào thành công của LucTeam - Trần Lực bày tỏ và cho rằng sự xuất hiện của sân khấu Trần Lực cho khán giả thêm lựa chọn.

luong gio moi cho san khau kich thu do
NSƯT Trần Lực và đoàn kịch LucTeam trong vở “Cơn ghen của Lọ Lem”. Ảnh: Đoàn kịch cung cấp.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật truyền thống, cha là NSND Trần Bảng - tác giả, nhà lý luận, đạo diễn của sân khấu chèo và mẹ là diễn viên chèo Trần Thị Xuân, sân khấu truyền thống đã ngấm vào NSƯT Trần Lực từ nhỏ. “Thời kỳ sang Bulgaria tu nghiệp, tôi đã diễn trích đoạn “Phù thuỷ sợ ma” cho thầy giáo xem. Thầy tôi bảo: “Nghệ thuật Việt Nam của các em là số 1”. Từ đó, tôi đã có ước muốn có một sân khấu của riêng mình” – NSƯT Trần Lực cho hay. Được truyền cảm hứng bởi những bài giảng của thầy giáo, anh đã khao khát lập nên một đoàn kịch theo trường phái hiện thực ước lệ. Sau nhiều tâm huyết nghiên cứu, đoàn kịch LucTeam được thành lập với những diễn viên tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, được NSƯT Trần Lực trực tiếp đào tạo. LucTeam mang trong mình đam mê nghệ thuật cháy bỏng và khát vọng đổi mới ngôn ngữ sân khấu kịch, mở ra một hướng đi mới cho sân khấu kịch Thủ đô trước những khó khăn của thời cuộc.

Sân khấu ước lệ trong “Cơn ghen của Lọ Lem”

LucTeam vừa hoàn thành vở diễn “Cơn ghen của Lọ Lem” và bắt đầu công diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) vào các tối ngày 2, 6, 14, 23, 30/12. “Cơn ghen của Lọ Lem” nằm trong chùm hài kịch của Molière giễu nhại thói hư tật xấu của xã hội Pháp cách nay gần 500 năm. Chọn kịch bản có độ lùi thời gian nhưng Trần Lực khéo léo dùng phương pháp biểu hiện ước lệ, đưa vào những vấn đề, câu chuyện của đời sống thường ngày khiến nó trở thành một vở diễn nóng hổi hơi thở đời sống đương đại nhưng không mất đi tính giễu nhại theo phong cách Molière. Người xem nhìn thấy xã hội Việt Nam sống động trên sàn diễn: Một anh xe ôm say xỉn luôn ghen tuông vì cô vợ đỏng đảnh thích lên mạng “thả thính”, cô ô sin sống ảo, ông tiến sĩ rởm huênh hoang. Khán giả phấn khích thấy xe máy đi vèo vèo trên sân khấu với mùi xăng xe đặc trưng đường phố, những chuyện thời sự nóng hổi như kẻ buôn tơ Tàu về bán ở Hàng Gai, bi hài chuyện bán hãng phim truyện…

Khát vọng đổi mới ngôn ngữ sân khấu kịch bằng ngôn ngữ biểu hiện ước lệ, đạo diễn Trần Lực cùng học trò đã kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo các thể loại ngôn ngữ trình diễn hiện đại trên thế giới để tạo nên một giọng điệu mới cho ngôn ngữ kịch nói Việt Nam hiện đại. Một vở kịch theo lối ước lệ cần hội tụ ba yếu tố: Bối cảnh sân khấu cùng đạo cụ tối giản, ánh sáng đơn sắc cơ bản và khả năng biểu đạt tương tác của diễn viên. Sân khấu ước lệ mở ra những bối cảnh tối giản hết mức về hình thức bài trí và đòi hỏi sự sắc bén tối đa trong biểu hiện của từng nghệ sĩ. Ánh sáng sử dụng trên sân khấu cũng đơn sắc cơ bản, nghệ sĩ trên sân khấu ước lệ luôn sử dụng nét mặt, ánh mắt, giải phóng cơ thể và tự kiểm soát quỹ đạo di chuyển trong từng phân cảnh để chạm được đến cảm xúc của công chúng cũng như khơi gợi trí tưởng tượng trong mỗi người, cuốn họ vào dòng chảy của câu chuyện chung theo nhận định riêng.

Vở diễn là sự đầu tư chất xám và sự khổ luyện chăm chỉ, nghiêm túc tới nhuần nhuyễn để ăn khớp trong từng động tác hình thể của các nghệ sỹ trẻ. NSƯT Trần Lực nhận định: “Ở trên sân khấu, các nghệ sĩ với một kịch bản đã được tối giản về nội dung và bố cục phải thể hiện được nhân vật, không phải chỉ bằng đối thoại mang tính phản biện hoặc thỏa hiệp mà họ phải thể hiện nhân vật của mình qua ngôn ngữ hình thể. Những cảm xúc vui, buồn, tức giận đều bộc lộ rõ nét qua từng cử chỉ, động tác. Cũng có nhiều người hỏi tôi tại sao lại chọn “Cơn ghen của Lọ Lem” làm tác phẩm ra mắt của LucTeam. Đó chính là vì vở kịch thể hiện rõ tinh thần của sân khấu ước lệ. Ngoài ra, trong buổi ra mắt vở diễn đầu tiên của một đoàn kịch, không có cớ gì mà mình không diễn một vở thật là vui vẻ. “Cơn ghen của Lọ Lem” là một vở hài kịch, náo kịch. Nó không chỉ vui vẻ nữa mà là rất vui. Tôi vẫn luôn theo quan điểm của nhà hiền triết Aristotle “Bản chất của nghệ thuật là giải trí”. Vở diễn này đầy chất giải trí, mọi người xem xong cảm thấy thoải mái vui vẻ, nhưng về nhà họ vẫn phải nghĩ ngợi một điều gì đó”.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này