Bất cập nghĩa trang trong thành phố

Đâu là giải pháp?

11:38 | 24/11/2017
Rõ ràng, định hướng và chủ trương di chuyển dần tất cả nghĩa trang, khu mộ nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, đưa vào những nghĩa trang lớn theo quy hoạch là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, để làm được việc này thì cần có sự tuyên truyền đồng bộ đến người dân địa phương vào cuộc rốt ráo hơn nữa của các cấp, ngành liên quan. 
dau la giai phap Kỳ 1: Khi nghĩa trang không đạt chuẩn
dau la giai phap Nghĩa Trang Hàng Dương những ngày tháng Tư
dau la giai phap Không phải lỗi của đơn vị thi công
dau la giai phap Làm hư hỏng hàng chục ngôi mộ?

Khó di dời nghĩa trang khỏi nội đô

Từ lâu nay, quan niệm “mồ yên mả đẹp” mà bị di dời sẽ bị “động”, làm ảnh hưởng đến con cháu gia đình đã ăn sâu vào tập quán tín ngưỡng của người dân. Do đó, việc di chuyển nghĩa trang là vấn đề hết sức nan giải. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Vỵ - Chủ tịch UBND xã Tân Triều, cho biết: Chủ trương của xã là không mở rộng cũng không xây mới nghĩa trang Yên Xá. Theo quy định, nghĩa trang phải xa khu dân cư 1,5km. Tuy nhiên, đa phần các nghĩa trang hiện nay đều nằm cạnh khu dân cư. Đây là hiện trạng đã có từ lâu rồi. Sát khu dân cư toàn là những ngôi mộ đã có từ lâu đời rồi, đã được cải táng và khô rồi nên vẫn tồn tại. Việc di dời nghĩa trang rất khó khăn, chủ trương của xã là cố gắng cải tạo, tuyên truyền, vận động người dân hỏa táng, lấy tro cốt. Năm 2011, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã có đề xuất xây dựng một khu vực 4000m2 làm nghĩa trang ở giữa đồng Sét. Tuy nhiên, về sau nghiên cứu văn bản thành phố không cho phép đầu tư, xây mới nên dự án phải dừng lại, chỉ chỉnh trang nghĩa trang hiện có.

dau la giai phap
Nghĩa trang chùa Láng nằm ngay sát khu dân cư

Theo ông Nguyễn Văn Hảo – Quản trang nghĩa trang Yên Xá: Nghĩa trang Yên Xá được chia làm 2 phần: 8.000m2 nằm ở khu Cửa Chùa và 2000m2 thuộc khu Gò Dài. Dù đã chứa hàng nghìn ngôi mộ, nhưng một diện tích nhỏ khu nghĩa trang hiện vẫn tiến hành biện pháp hung táng với người dân địa phương. “Việc di chuyển các nghĩa trang ra khỏi khu dân cư rất khó. Thậm chí có thể nói là không di chuyển được vì nghĩa trang đã tồn tại nhiều đời nay. Người dân địa phương cũng không đồng ý bởi họ đang sống yên ổn nên không động chạm đến khu nghĩa trang. Kỳ thực, chuyển nghĩa trang đi đâu cũng là một vấn đề”, quản trang nghĩa trang Yên Xá giãi bày.

Nhiều ý kiến cho rằng: Việc di dời nghĩa trang ra xa khỏi khu dân cư là vấn đề rất khó bởi các nghĩa trang này đều có từ lâu. Để đảm bảo môi trường, trong đợt dập dịch sốt xuất huyết vừa rồi phường đã phối hợp với đơn vị quản lý tiến hành dọn dẹp nghĩa trang, xử lý nước đọng tồn trong các bình hoa tại các khu mộ… cố gắng đảm bảo vệ sinh tối đa.

Vấn đề dân phải thuận

Giải pháp di dời nghĩa trang khỏi các khu dân cư, khu đô thị trong nội đô vẫn đang là một bài toán với các ban, ngành thành phố. Trao đổi với PV, ông Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, cho biết: Trong quy hoạch có quy hoạch nghĩa trang nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề phải di dời một số nghĩa trang ở các khu dân cư. Thời gian vừa qua chúng ta vấp phải một số vấn đề đó là xây dựng các nghĩa trang tập trung, thực tế ở Hà Nội có nhiều cấp độ nghĩa trang khác nhau, có nghĩa trang quốc gia, có nghĩa trang thành phố, có nghĩa trang tập trung và có cả các nghĩa trang nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Đối với các nghĩa trang nằm xen lẫn trong khu dân cư, đây là vấn đề đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Để giải quyết vấn đề này trước hết chúng ta phải rà soát lại quy hoạch, phân tích cụ thể từng nghĩa trang ở từng khu vực, từ đó lựa chọn cách làm phù hợp. Có thể vận dụng trí tuệ để vận động người dân giải phóng mặt bằng, tìm một giải pháp hợp lý. Tuy nhiên như cách làm trước đây văn phòng Tổng lý thời Pháp đã làm đó là có thể giữ lại một số nghĩa trang nếu như nó không tác động đến môi trường. “Nhà quản lý cần phải tìm hiểu, đánh giá xem nghĩa trang này có tác động đến môi trường hay không, phải dựa trên cơ sở thực tế để tìm ra giải pháp phù hợp”, ông Nghiêm chia sẻ.

Theo KTS Nguyễn Đức Tiến, Công ty tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng (Bộ Quốc Phòng): Về lâu dài, chủ trương di dời nghĩa trang ra ngoại ô của thành phố là là đúng đắn. Tuy nhiên, trước mắt phải chấm dứt hiện tượng chôn cất, chỉ cho đặt tro cốt sau hỏa táng, tiến hành cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng, cảnh quan sân đường nội bộ, hệ thống thoát nước thải, xây dựng những nhà đặt tro cốt sau hỏa táng nhằm vừa đỡ tốn đất lại đáp ứng được các yêu cầu về tâm linh của người dân. Cải tạo, quy hoạch các nghĩa trang hiện tại thành các “vườn nghĩa trang” hay “công viên nghĩa trang” nhằm tiết kiệm quỹ đất, tăng cảnh quan không gian công cộng, biến nghĩa trang như là một công viên, hay nói cho đúng hơn là “nghĩa trang cảnh quan”, hòa hợp với thiên nhiên, làm cho không gian nghĩa trang trở nên thân thiện, dễ chịu hơn với người dân khi đến nghĩa trang. Như vậy, không những giải quyết được tồn tại của nghĩa trang hiện nay mà còn giải quyết được vấn đề không gian xanh còn thiếu trong đô thị, bổ sung thêm được những không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân trong các cụm dân cư đô thị, đồng thời cải tạo tăng chất lượng môi trường sống...

Còn KTS Nguyễn Hoàng Giang (ở phường Phương Liên, quận Đống Đa) cho rằng: Đây là vấn đề của toàn xã hội, do đó để giải quyết được vấn đề nghĩa trang tồn tại trong thành phố cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp: Đưa ra các chuẩn về yêu cầu kiến trúc quy hoạch cho nghĩa trang. Tuyên truyền rộng rãi để người dân biết được việc di dời nghĩa trang là đảm bảo cuộc sống ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn và đặc biệt là làm thay đổi bộ mặt đô thị của Thủ đô. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của cán bộ trực tiếp thi hành…

Nhóm PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này