Kể cũng khó thật!

14:57 | 14/11/2017
- Hôm trước ta vừa bàn đến chuyện những người quên thân mình để cứu đồng bào trong bão lũ… - Đúng rồi bác, những tấm gương đó rất cần biểu dương, có gì không bác?
ke cung kho that Đúng là anh hùng!
ke cung kho that Ừ nhỉ…!
ke cung kho that “Cứ vui với bão”!

- Biểu dương thì đúng quá rồi. Song lại vẫn là nỗi buồn, không phải bây giờ mới có.

- Ý bác là thế nào?

- Là, trong khi nhân dân cả nước, kể cả nước ngoài hướng về bồng bào nơi bão lũ, với tấm lòng thơm thảo “thương người như thể thương thân” thì đâu đó vẫn có thông tin những đồng tiền, những món hàng cứu trợ chưa đến được đúng địa chỉ.

- Có phải bác muốn nói chuyện, thay vì trao các suất quà hỗ trợ thiệt hại lũ lụt cho người có điều kiện khó khăn, già cả neo đơn, các lãnh đạo thôn 4 ở TP Thanh Hóa lại trao cho những nhà có điều kiện và vợ của mình khiến người dân bất bình, phải không?

-Những thông tin đại loại như thế, tớ thấy hình như đợt cứu trợ nào cũng có.

Đúng là bên cạnh những tấm gương anh hùng cứu người, thì hành động này thật đáng lên án.

-Chẳng những “ăn chặn”, mà em còn được biết nhiều nơi, chính quyền sở tại còn gây khó khăn cho các đoàn cứu trợ. Không muốn họ trao trực tiếp quà cứu trợ cho người dân.

-Về vấn đề này, họ đưa ra lý do phải kiểm nghiệm hàng hóa, cung cấp danh sách cần cứu trợ…tớ nghĩ cũng phải, bởi không ai nắm vững được từng hoàn cảnh bằng chính quyền sở tại.

-Nếu đúng như vậy thì có gì đáng nói. Vấn đề là tiền, hàng nằm tại xã, thôn rồi có đến đúng và đủ cho các hộ dân cần trợ giúp? Vậy nên, theo em các đoàn cứu trợ chỉ cần thông báo với địa phương, rồi đến từng nhà tự tìm hiểu hoàn cảnh để trợ giúp là chuẩn và nhanh nhất.

-Làm thế nào thì làm, chứ năm nào cũng để xảy xa chuyện cán bộ thôn, xã “trao cho những nhà có điều kiện và vợ của mình”, thì mất hết tính nhân văn và lòng tốt của đồng bào.

-Cũng liên quan đến chuyện lụt bão, em vừa đọc được dòng tít, thật nao lòng: “Gỗ chảy về nhà quan, lũ chảy về nhà dân”.

-Thì đúng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lũ là do nạn chặt phá rừng. Mà nhiều vụ chặt phá rừng trắng trợn có sự bao che, tiếp tay của các “quan biến chất”. Lời ví von đó cũng là từ thực tế.

-Vâng. Trong 2 năm trở lại đây những trận lũ lịch sử diễn ra nhiều và liên tục đến như thế. Chuyện con nước lũ không phải là câu chuyện của riêng một tỉnh thành nào nữa, mà những trận lũ đã trải dài dọc khắp các miền Bắc – Trung – Nam. Những cơn lũ từ đâu mà dữ dội và hung tợn đến như thế? Liệu có phải từ những bạt ngàn cánh rừng kia đã bị phá hủy?

- Tớ cũng thấy cụm từ “trận lũ lịch sử” được nhắc đi nhắc lại Từ vụ ở Yên Bái, Hà Giang, đến Nghệ An, Quảng Ngãi…nghĩa là suốt dọc chiều dài đất nước. Lũ lụt không còn là chuyện thi thoảng, mà gần như là chuyện hằng năm. Cứ đến mùa là lại “hoành hành”.

-Tất nhiên lỗi do ông trời, sao lại có chuyện “biến đổi khí hậu”, mưa nắng thất thường, để mưa là mưa như trút nước dòng dã nhiều ngày khiến nên lụt lội, dưng vì sao có cái biến đổi khí hậu đó?

-Cũng một phần là do con người. Mưa nhiều ắt sinh lũ, dưng nếu rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh không bị tàn phá tràn lan, thì chắc chắn sẽ không có những “cơn lũ lịch sử” cướp đi bao sinh mạng và nhà cửa của đồng bào.

-Chúng ta cũng phải có hành động gì khi lũ cứ “đến hẹn lại lên” như thế, không thể “sống chung với lũ” mãi được.

-Bảo vệ môi trường, trước hết là ngăn chặn triệt để nạn chặt phá rừng có hiệu quả bằng pháp luật nghiêm minh và sự trong sạch của cán bộ. Thay cụm từ “sống chung với lũ” bằng cụm từ “không sống chung với chặt phá rừng” một cách cụ thể và mạnh mẽ, mới hòng xoa dịu được thiên nhiên.

-Cái giải pháp của bác, ai chả biết dưng thực hiện khó đấy. Nhà ông chi cục trưởng kiểm lâm (HB) ngang nhiên làm bằng hàng trăm mét khối gỗ quý, mà nói “tôi mua ở thị trường”, vậy cũng qua được thì khó, khó lắm, bác ơi!

-Cho dù có mua ở thị trường, thì tại sao là gỗ quý đã cấm khai thác, mà ông chi cục trưởng kiểm lâm lại để cho gỗ quý xuất hiện trên thị trường? Kể cũng khó thật!

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này