Ngăn chặn nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng

09:06 | 09/10/2017
Mặc dù đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương, nhưng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn hằng ngày, hằng giờ qua mặt các cơ quan chức năng len lỏi đến khắp các vùng nông thôn, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân.
ngan chan nan san xuat phan bon gia kem chat luong Phân bón giả: Cuộc chiến chưa có hồi kết
ngan chan nan san xuat phan bon gia kem chat luong Sai phạm trong cấp chứng nhận phân bón: Người dân có quyền khởi kiện ra tòa
ngan chan nan san xuat phan bon gia kem chat luong
Công ty cổ phần Su-pe phốt-phát và Hóa chất Lâm Thao là một trong những doanh nghiệp có sản phẩm phân bón thường bị làm giả, làm nhái. Trong ảnh: Sản xuất phân bón tại công ty.

Số vụ vi phạm tăng

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy tình trạng phân bón giả năm sau lại đáng lo ngại hơn năm trước. Năm 2015, phát hiện hơn 4.000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là hơn 5.000 vụ.

Hiện nay, việc kiểm định, chứng nhận chất lượng phân bón chưa được chặt chẽ. Thí dụ như, năm 2016, sau khi tiến hành kiểm tra 45 trung tâm khảo nghiệm phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện 11 tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón... có dấu hiệu sai phạm.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thường tập trung tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường hoạt động bí mật, khép kín từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ... Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì sẵn sàng thay thế loại phân bón khác.

Không chỉ người nông dân chịu thiệt do phân bón kém chất lượng, mà các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng đang lao đao. Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Su-pe Phốt-phát và Hóa chất Lâm Thao Phạm Ðức Thành cho biết, hiện nay tình trạng hàng giả, nhái phân bón của công ty tràn lan khắp cả nước, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Thí dụ, lô-gô thương hiệu của công ty làm là có hình ba nhành lá cọ, thì có doanh nghiệp làm nhái ba nhành lá khác gần giống với ba lá cọ nhưng vẫn được cấp phép sản xuất.

Khi bán ra thị trường, doanh nghiệp lại bán sát với giá phân bón của những đơn vị sản xuất chuẩn, dẫn đến lợi nhuận rất cao, trong khi thiệt thòi thuộc về các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người nông dân. Ðể những loại phân bón nhái, kém chất lượng này bán được, các cơ sở có nhiều cách luồn lách, thường có ưu đãi cao cho đại lý, dẫn đến các đại lý lại hướng người dân mua những sản phẩm phân bón này. Nếu không đọc, xem kỹ, người mua sẽ nhầm lẫn. Cũng có những trường hợp, các đại lý ở vùng nông thôn lấy vỏ bao phân bón của công ty sau đó đổ phân bón giả, kém chất lượng vào để đánh lừa người dân.

Trong khi đó, hiện nay lại chưa có quy chuẩn để xác định những sản phẩm phân bón tương đương, nhưng nhiều đơn vị sản xuất vẫn được cấp phép sản xuất, có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy khiến người dân không thể phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng nhái. Chỉ khi kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể mới phát hiện lệch quy chuẩn mà doanh nghiệp đăng ký.

Tăng cường quản lý phân bón

Ðể khắc phục tình trạng phân bón giả, nhái, kém chất lượng, các cơ quan chức năng ngoài việc tuyên truyền để bà con nông dân biết tác hại của phân bón giả, nhái, kém chất lượng; hỗ trợ bà con sử dụng phân bón an toàn hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón để kịp thời phát hiện những hành vi sản xuất, kinh doanh sai trái. Nhất là thực hiện đúng, kịp thời Nghị định số 108/2017/NÐ-CP ngày 20-9-2017 của Chính phủ (thay thế Nghị định 202/2013/NÐ-CP ngày 27-11-2013 về quản lý phân bón).

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón phải bảo đảm các điều kiện sau: được thành lập theo quy định của pháp luật; có địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị; dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng quy trình công nghệ.

Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa theo quy định; có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; có phòng thử nghiệm được công nhận hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất. Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.

Ngoài ra, cá nhân buôn bán phân bón phải bảo đảm các điều kiện về cửa hàng buôn bán phân bón, phải có biển hiệu, sổ ghi chép việc mua, bán phân bón; bảng giá bán công khai từng loại phân bón niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc. Người trực tiếp bán phân bón phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học.

Trường hợp cơ sở buôn bán phân bón không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp; có sổ ghi chép việc mua, bán phân bón và đáp ứng quy định về người trực tiếp bán phân bón...

Theo Hùng Ngọc/nhandan.com.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này