Thang vận: Mối lo mất an toàn lao động

11:11 | 06/10/2017
Mang lại nhiều tiện lợi, hệ thống thang máy vận chuyển (thang vận) đang được áp dụng sâu rộng tại nhiều cửa hàng, dịch vụ. Thế nhưng, thiếu hiểu biết, chủ quan trong việc sử dụng thang vận đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và vấn đề tai nạn xảy ra chỉ còn là chuyện thời gian.
thang van moi lo mat an toan lao dong Vẫn nơm nớp tai nạn từ cần cẩu
thang van moi lo mat an toan lao dong An toàn vệ sinh lao động ngành xây dựng: Chỉ có lợi cho doanh nghiệp

Tối 26/9 vừa qua, tại quán ăn “Vua Chả Cá” (địa chỉ 26C, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) xảy ra vụ tai nạn kẹt thang vận khiến một nam nhân viên làm việc tại nhà hàng bị tử vong. Trước đó, thực tế cũng đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vì sử dụng thang vận, nhất là ở các công trình xây dựng.

thang van moi lo mat an toan lao dong
Hướng dẫn sử dụng thang vận tại công trình mờ tịt không nhìn rõ chữ

Trong nhiều năm trở lại đây, việc nở rộ của hàng loạt các dịch vụ, nhà hàng kéo theo sự phát triển của những ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại. Và thang máy vận chuyển là một trong số đó.

Bộ LĐTBXH đã ban hành thông tư 40/2013/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thăng vận.

Trong đó, Thông tư chỉ rõ “máy vận thăng trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ và kiểm định bất thường theo quy định”, “Người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp, vận hành máy vận thăng phải được huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ mà mình đảm nhận; được huấn luyện an toàn lần đầu trước khi giao việc, huấn luyện an toàn định kỳ hàng năm và được cấp chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động theo quy định; hiểu được tính năng kỹ thuật của máy vận thăng mà mình phụ trách; biết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan đến máy vận thăng; biết cách khắc phục các sự cố khẩn cấp theo hướng dẫn của đơn vị lắp đặt”.

Tại nhiều công trường xây dựng cao tầng, những chiếc thang vận chỉ cần nhìn cũng đủ thấy nguy hiểm. Thực tế, trong quá trình kiểm tra an toàn vệ sinh lao động của Sở Lao động Thương Binh – xã hội Hà Nội những năm gần đây cho thấy, lỗi vi phạm trong quá trình vận hành thang vận tại các công trình xây dựng của nhiều chủ đầu tư bị xử phạt nhiều.

Ở những dự án này, thang vận được lắp đặt bên ngoài, phơi mưa, phơi nắng, có khi thay màu hoen gỉ nhưng nó vẫn được sử dụng triệt để đưa vật liệu, nhân công lên xuống với số lượng lớn. Nhìn quanh những chiếc thang vận này, bản hướng dẫn cho người sử dụng, vận hành bị che lấp, có nơi chỉ dán tạm bợ.

Nhiều nơi, phải tinh mắt lắm người ta mới có thể đọc được những dòng hướng dẫn sử dụng đã nhòe hết chữ. Cùng với đó, nhân công sử dụng đa phần chỉ là người lao động phổ thông, không nhiều kiến thức. Chủ lao động thờ ơ, người lao động thiếu hiểu biết, giờ đây, câu chuyện tai nạn thang vận còn là dấu hỏi cho mức độ bảo đảm an toàn trong sử dụng lao động.

Theo quy định, mọi thang máy sau khi lắp đặt và đưa vào sử dụng cần được kiểm định chất lượng an toàn, chỉ khi máy đạt tiêu chuẩn mới có thể đưa vào sử dụng, nhất là với các công trường xây dựng. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào việc này cũng được đảm bảo, nhất là với những công trình nhỏ, cửa hàng nhỏ.

Nhiều cửa hàng chỉ 3, 4 tầng có diện tích nhỏ hẹp nhưng nhằm phục vụ kinh doanh, chủ cơ sở vẫn vô tư tự thiết kế và lắp đặt máy móc vận chuyển. Không ít công trường, chủ lao động chỉ biết lắp và “vờ như không rõ” trách nhiệm của họ trong quản lý, vận hành thang vận.

Với bài toán lợi nhuận, nhiều cơ sở bỏ qua trách nhiệm kiểm định, lơ là trong công tác bảo dưỡng bảo trì. Cả chủ cơ sở và nhân viên, khi sử dụng đều phó mặc độ an toàn cho máy móc, chỉ khi có sự cố hoặc trục trặc, người ta mới nghĩ tới việc kiểm tra, bảo dưỡng.

Kỹ sư Nguyễn Gia Hòa (kỹ thuật viên Công ty Thang máy Gia Đình) cho biết: “Thông thường, theo đúng tiêu chuẩn an toàn, các thang vận phải có cảm biến, khi có vật cản hoặc bị vướng sẽ dừng lại. Cùng với đó, trong quá trình sử dụng, cần có cảnh báo, hướng dẫn, nhân viên sử dụng cần được trang bị bộ đàm.

Thế nhưng, nhiều nhà hàng không đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đó với mong muốn tiết kiệm, chưa kể thang vận họ sử dụng là loại tự lắp đặt. Chưa kể tới, tâm lý nhiều nhân viên thường phó mặc cho người điều khiển. Tất cả lí do đó là điều kiện tồn tại của tai nạn”.

Còn ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, “mất an toàn lao động xuất phát từ người sử dụng lao động và do người lao động thiếu kiến thức, chủ quan”.

Đáng lo ngại hơn, hiện nay tại nhiều trường học cũng đang áp dụng mô hình vận chuyển này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự quản lý chặt thì với sự tò mò, hiếu động của trẻ nhỏ, ai sẽ bảo bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu. Sự cố ngày 26/9 như đề cập trên là bài học nhãn tiền.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này