Tăng cường công tác quản lý bệnh không lây nhiễm tại cơ sở

Người dân được hưởng lợi ngay tại địa phương

21:58 | 24/09/2017
Bệnh không lây nhiễm (KLN) được ví như "cơn thủy triều đỏ" bởi gánh nặng bệnh tật gây ra quá lớn. Do đó, việc nhân rộng mô hình quản lý bệnh KLN tại y tế cơ sở là điều cần thiết nhằm giảm tải cho tuyến trên và giúp người dân được hưởng lợi ngay tại địa phương. 
nguoi dan duoc huong loi ngay tai dia phuong Báo động gia tăng bệnh không lây nhiễm
nguoi dan duoc huong loi ngay tai dia phuong Bệnh lạ nguy hiểm

Đây là những thông tin được GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin trong buổi kiểm tra công tác quản lý bệnh KLN tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Trong buổi sáng 22/9, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã trực tiếp thăm hỏi bà con, khảo sát thực tiễn mô hình điểm quản lý, điều trị ngoại trú có kiểm soát bệnh KLN tại 2 Trạm Y tế xã An Dương và Nhã Nam của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Trong đó, những bệnh KLN chủ yếu tại đây là bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường.

nguoi dan duoc huong loi ngay tai dia phuong
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi bệnh nhân khám chữa bệnh tại trạm y tế xã. Ảnh: Minh Khuê.

Theo BSCK1 Trần Mạnh Chi, Trạm trưởng Trạm y tế xã An Dương cho biết, hiện trạm y tế xã đang quản lý 254 bệnh nhân tăng huyết áp và 9 bệnh nhân đái tháo thường. Ban đầu khi triển khai quản lý, điều trị ngoại trú 2 bệnh này, người dân chưa mấy mặn mà. Nhưng hiện nay số lượng tăng lên không ngừng, người dân rất tin tưởng tìm đến khám chữa nhiều bệnh, trung bình mỗi ngày 40-45 bệnh nhân đến khám và nhận thuốc.

Tương tự, tại Trạm y tế xã Nhã Nam, bác sĩ Nguyễn Xuân Bảy, Trưởng Trạm y tế xã Nhã Nam chia sẻ, từ năm 2015 Trạm y tế đã tiếp nhận quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp thì đã có rất đông người đến khám và điều trị. Cho đến hết 6 tháng đầu năm 2017, Trạm y tế xã đã tiếp nhận quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp cho trên 430 bệnh nhân và khám cho trên 600 lượt bệnh nhân/tháng. Hầu hết bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt và rất hài lòng khi được điều trị tại trạm y tế xã.

Ông Ong Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, đối với những bệnh mạn tính, điều trị kéo dài suốt đời nên việc rút ngắn khoảng cách, không phải đi lại và được theo dõi, chăm sóc kịp thời là yêu cầu bức thiết của người dân. Hàng năm, Sở Y tế tiến hành đào tạo và chuyển giao cho 35 trạm y tế xã phường thị trấn quản lý, điều trị ngoại trú tăng huyết áp và từ năm 2017, mỗi năm triển khai thêm 15 trạm y tế xã quản lý bệnh đái tháo đường.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang chiều 22/9, GS.TS Nguyễn Thanh Log đánh giá cao nỗ lực của tuyến y tế cơ sở nhằm quản lý tốt người mắc các bệnh KLN ngay tại địa phương. Thứ trưởng cho rằng đây là hướng đi đúng đắn giúp ích rất nhiều cho người dân, bà con phấn khởi, hài lòng, điều trị tốt không phải đi lên tuyến trên. Trong khi bác sĩ nắm bắt được tâm lý, thói quen của người bệnh từ đó có tư vấn điều trị thích hợp.

nguoi dan duoc huong loi ngay tai dia phuong
GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Khuê.

GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vấn đề bệnh KLN và quản lý bệnh KLN trong cộng đồng là một trong những vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt là các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tim mạch.... Theo thống kê có đến 66% gánh nặng bệnh tật là do bệnh KLN gây ra; 73,8% các trường hợp tử vong là do liên quan đến các bệnh KLN (ước tính khoảng 360.000-380.000 ca). Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai nhân rộng mô hình quản lý bệnh KLN tại y tế cơ sở vì đây là mô hình rất hiệu quả và phù hợp với tình hình.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu cần cải tiến mô hình, cách làm trong khám, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường. Chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin tại tuyến cơ sở. Sau khi triển khai quản lý tốt bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường thì có kế hoạch triển khai tại y tế cơ sở với một số bệnh KLN khác.

Ông Ong Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang thông tin, hiện hệ thống mạng lưới y tế công lập của tỉnh bao gồm 8 Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh, 8 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 1 Bệnh viện Đa khoa khu vực. 3 Trung tâm hệ Dự phòng tuyến tỉnh, 10 Trung tâm y tế tuyến huyện. 2 Chi cục (Dân số KHHGĐ và ATVSTP). 1 trường Trung cấp y tế, 10 Trung tâm Dân số KHHGĐ tuyến huyện và 230 trạm y tế xã phường thị trấn. 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Tỉ lệ giường bệnh công lập/vạn dân là 22,8. Tỉ lệ bác sĩ/vạn dân là 8,2. Đến hết tháng 6/2017 toàn tỉnh đã có 209/230 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt tỉ lệ 90,86%.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này