Năng suất lao động chỉ tăng, khi lương và thu nhập bảo đảm

11:31 | 15/09/2017
Phân tích ảnh hưởng của tiền lương bình quân đến năng suất lao động trong nền kinh tế, tại Hội thảo: “Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam” diễn ra sáng 14/9, nhiều chuyên gia nhận định: 
neu luong dam bao se tang nang suat lao dong Lương tối thiểu Việt Nam đang tăng nhanh: Lợi hay hại?
neu luong dam bao se tang nang suat lao dong Tăng năng suất lao động: Không thể thiếu vai trò công đoàn

Tiền lương là nguồn thu nhập chính để duy trì và nâng cao đời sống cho bản thân người lao động (NLĐ), gia đình họ và tái sản xuất sức lao động của NLĐ. Khi đời sống NLĐ được đảm bảo, họ sẽ yên tâm làm việc và cố gắng làm việc hiệu quả, từ đó, năng suất lao động cũng sẽ tăng lên.

Kết quả khảo sát mới đây về việc làm, tiền lương, thu nhập và đời sống của NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy: Tiền lương cơ bản trung bình (làm việc đủ giờ theo quy định) của NLĐ là 4.480.000 đồng/tháng, tăng hơn so với khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2016 là 6,9%.

neu luong dam bao se tang nang suat lao dong
PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trình bày tại Hội thảo.

Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ có thêm thu nhập từ tiền làm thêm giờ, tiền phụ cấp chuyên cần, thâm niên, trách nhiệm, kỹ năng, nhà ở, xăng xe, hỗ trợ đời sống… (không kể tiền ăn ca chủ yếu phục vụ trực tiếp). Các khoản này chiếm từ 20-25% thu nhập của NLĐ, tùy từng vùng.

Ngoài ra còn một số khoản khác như nuôi con nhỏ, hỗ trợ đời sống... nhưng số người được hưởng ít và số tiền không nhiều. Qua khảo sát, thu nhập của NLĐ (không kể ăn ca) theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, trung bình là 5.453.000 đồng/tháng.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ- Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, kết quả khảo sát cho thấy: Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình NLĐ cho biết: 22,7% hài lòng; 52,4% tạm hài lòng; 24,9% không hài lòng. Đáng chú ý, NLĐ bức xúc về tiền lương, thu nhập và mong muốn được giải quyết chiếm 57,2%.

Trong đó, tỷ lệ này ở vùng I là 66,2%; vùng II là 60,0%; vùng III là 44,3% và ở vùng IV là 36,3%. PGS.TS Vũ Quang Thọ cũng cho biết, qua thống kê, tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến đình công, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu. Cụ thể, có 54% NLĐ được khảo sát cho rằng tiền lương, tiền công của họ không được trả tương xứng với công sức bỏ ra.

Từ thực tế trên, PGS.TS Vũ Quang Thọ khuyến nghị: Chính phủ cần có lộ trình và chỉ đạo thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ vào năm 2018; giao cho cơ quan nhà nước (Tổng cục Thống kê) tính toán mức sống tối thiểu, định kỳ hàng năm công bố để các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia làm căn cứ thương lượng; xem xét tăng thêm thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia là các nhà nghiên cứu, có am hiểu về tiền lương, lương tổi thiểu để đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tiếp tục các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu, đảm bảo giá trị tiền lương thực tế của NLĐ, để việc tăng lương hàng năm có ý nghĩa thiết thực. Đặc biệt, cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp (hoặc ban hành Nghị quyết) thúc đẩy tăng năng suất lao động khu vực DN, giữ vững tăng trưởng ổn định, tạo tiền đề vững chắc cho việc tăng tiền lương của NLĐ, tiến tới không cần làm thêm giờ vẫn đảm bảo mức lương đủ sống.

Phân tích thêm về ảnh hưởng của tiền lương bình quân đến năng suất lao động (NSLĐ) trong nền kinh tế, TS Trần Thị Minh Phương- Trường Đại học Lao động- Xã hội nhấn mạnh: Tiền lương phải được coi là sự đầu tư vào vốn con người, đầu tư cho phát triển, là yếu tố quyết định nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tiền lương ở Việt Nam được đánh giá là khá thấp.

Từ thực tế trên, TS Phương cho rằng, chính sách tiền lương, thưởng trong DN để trả công cho NLĐ trong quá trình sản xuất phù hợp sẽ là động lực để thúc đẩy NSLĐ trong các DN. Việc trả lương thấp, thiếu công bằng, không dựa trên NSLĐ cá nhân có thể dẫn đến những xung đột giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động và điều này ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong nền kinh tế.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này