Làm giàu từ một cánh tay

10:35 | 12/09/2017
Rời quân ngũ để trở về cuộc sống thường nhật với một cơ thể không còn lành lặn, ông Nguyễn Khắc Đức (Tổ dân phố Hạ 11, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên làm giàu từ mô hình trồng hoa với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
lam giau tu mot canh tay Tỷ phú “đa cây, đa con” ở Hồng Thái
lam giau tu mot canh tay Làm giàu rất khó, làm người giàu có tâm tốt càng khó gấp trăm lần

Tạm gác lại công việc để tiếp chúng tôi trong căn lều nhỏ nằm khiêm tốn tại một góc của khu đất rộng gần 1,5 héc-ta tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội), người cựu chiến binh già kể lại câu chuyện về cuộc đời mình và việc bén duyên với nghề trồng hoa.

lam giau tu mot canh tay
Ông Nguyễn Khắc Đức chăm sóc ruộng hoa

Sinh năm 1941, cũng như bao thanh niên yêu nước thời điểm đó, ông nhập ngũ và được điều vào tham gia chiến đấu tại mặt trận 7 (Thừa Thiên - Huế). Năm 1972, trong một lần làm nhiệm vụ, ông bị thương nặng và mất cánh tay phải nên phải rời quân ngũ để trở về với gia đình. Lúc bấy giờ, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vết thương ngày nào khiến ông bị đau nhức thường xuyên, mọi gánh nặng đặt hết lên vai người vợ trẻ. Với vai trò trụ cột trong gia đình, nhìn cảnh vợ mình tần tảo sớm hôm, chạy vạy từng đồng để nuôi chín miệng ăn trong gia đình mà ông cảm thấy day dứt. Chính điều này đã thôi thúc ông phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống, giúp vợ con đỡ vất vả.

Dưới sự động viên của mọi người trong gia đình, ông bắt đầu lại cuộc sống với một cánh tay. Việc đầu tiên ông học là cầm đũa ăn cơm, tập viết. Đến khi quen việc, ông lại tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi, phụ giúp gia đình tăng gia sản xuất. Ông làm đủ mọi việc nhưng kinh tế gia vẫn không cải thiện được nhiều.

Đến năm 1995, trong một buổi gặp mặt đồng đội, qua trao đổi ông biết đến mô hình trồng hoa ngoài đất bãi ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) và nhận thấy mô hình này có nhiều tiềm năng. Ông bàn với vợ con mạnh dạn chuyển đổi 5 sào ruộng sang trồng hoa hồng. Ông tâm sự: “Lúc bấy giờ, cả gia đình tích góp mãi mới được khoảng 10 triệu đồng nên tôi cũng lo lắng lắm. Thành công thì cả nhà thoát nghèo nhưng nếu thất bại chỉ còn nước chết đói”.

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm cùng những bất lợi về thời tiết và sai sót về kỹ thuật mà ông còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với ý chí quyết tâm, vừa học, vừa làm, ngày từ vụ đầu tiên, mô hình trồng hoa hồng của gia đình ông đã thu lãi gần 50 triệu đồng. Thành công này đã giúp ông càng có thêm nhiều niềm tin và động lực để mở rộng mô hình trồng hoa.

Ông bàn với gia đình đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống đèn chiếu sáng, khung giàn thép, ni lông che phủ,…và trồng thêm các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: hoa ly, hoa loa kèn,… Năm 2009, khi người dân quanh vùng chỉ trồng vài trăm củ hoa ly thì gia đình ông đã mạnh dạn trồng thử 3 vạn củ.

Ông Đức cũng là người đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng và chăm sóc hoa. Từ khâu chọn giống cho đến làm để, bón phân đều được ông làm theo đúng quy trình để đảm bảo dinh dưỡng cho cây hoa nhanh phát triển, không bị sâu bệnh và cho năng suất cao.

Ông chia sẻ: “Trồng hoa rất khó. Tuy không yêu cầu quá cao về kỹ thuật nhưng đòi hỏi người trồng phải nhạy bén, kiên trì, nắm bắt được diễn biến của thời tiết để có cách chăm sóc sao cho thích hợp.”. Ông tự hào cho biết dịp Tết năm 2016, khi hàng loạt gia đình trồng hoa ở Tây Tựu lâm vào cảnh khốn đốn do thời tiết nắng nóng, hoa ly nở sớm thì ½ diện tích hoa của gia đình ông vẫn nở đúng dịp. Chính vì thế cho thu nhập rất cao.

Đến nay, diện tích đất trồng hoa nhà ông đã tăng lên gần 1,5 héc-ta cho tổng thu nhập gần 1 tỷ đồng/ năm. Không chỉ đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình, trang trại hoa của ông Đức còn tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/tháng, trở thành mô hình điểm được thành phố Hà Nội lựa chọn tham quan và học tập kinh nghiệm nhiều năm liền.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này