Lệ làng to quá!

09:26 | 12/09/2017
Mới hay cái đúc kết: “Phép Vua thua lệ làng” tưởng để chỉ những điều  vô lý, ấy vậy mà nó được chứng minh với hàng loạt chuyện “dở khóc, dở cười” trong cuộc sống.
le lang to qua Lãng phí trong “bỏ hoang”
le lang to qua Đã chả phải lẩy Kiều!
le lang to qua Em bác mà!

- Bác có chuyện gì “đa chiều” vậy?

- Vừa rồi xôn xao chuyện “chăn bò”, chú không biết à?

- Bác muốn nói anh Cần Thơ vừa ban hành quy định cấm công chức, viên chức mặc quần jean (quần bò), áo thun (áo phông) đến công sở chứ gì.

- Đó chỉ là một chuyện.

- Dưng theo em quy định đề công chức, viên chức ăn mặc gọn gàng, lịch sự cũng nên mà.

- Quần bò, áo phông có cổ đâu phải không gọn gàng, lịch sự. Tớ thấy nhiều “chính khách”, nhiều MC truyền hình…những người có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng vẫn mặc đó thôi, trông khỏe khoắn lại rất gần gũi.

- Biết vậy, dưng anh Cần Thơ cũng có lý của anh ấy mà.

- Chả có lý gì để cấm cả, nếu như mặc quần bò, áo phông vẫn đảm bảo lịch sự. Vấn đề quan trọng là thái độ khi tiếp dân, khi làm việc như thế nào thôi.

- Em nghe đâu, anh Cần Thơ nói vì quần bò xuất phát từ dân chăn bò, dân “cao bồi” ở phương Tây nên cấm là cần thiết.

- “Lệ làng” bi hài ở cái tư duy đó đấy. Lại còn chuyện một trường THPT ở Hà Tĩnh cấm giáo viên nữ mặc váy khi lên lớp, tham gia các hoạt động giáo dục có mặt học sinh nữa. Cũng thật là phi lý.

- Dưng nhiều cô giáo mặc váy lên lớp cũng phản cảm thật.

- Không phải là chuyện mặc váy hay không, mà là mặc váy như thế nào thôi. Đừng mặc váy quá ngắn, váy mỏng, váy xẻ cao khi lên lớp là được, chứ quy định chung chung cấm mặc váy là không ổn.

- Quả thế thật. Bây giờ chuyện mặc váy của chị em đã trở nên quá phổ biến, nhiều loại váy rất lịch sự, rất đẹp mà cấm thì cũng “uổng” thật.

- Đấy chỉ là hai trong rất nhiều chuyện lạ về ăn mặc. Gần đây có nhiều cuộc đình công, lãn công xảy ra liên quan đến những quy định “quái gở” của công ty nọ, nhà máy kia.

- Tất nhiên đình công, lãn công là do công nhân bức xúc điều gì đó, dưng công nhân mình cũng nhiều “yêu sách” ngoài khả năng của doanh nghiệp. Thời buổi này, em nghĩ có việc vày duy trì được việc làm là các doanh nghiệp cũng cố gắng lắm rồi.

- Ai chả biết thế, dưng chú không nghe tớ nói quy đinh “quái gở” à? Chú tính người chết khi nào có ai biết trước được không?

- Sinh, tử vô thường biết trước sao được bác.

- Thế mà có công ty ở Thanh Hóa ra quy định: Muốn nghỉ do có người nhà chết phải báo trước 3 ngày đấy.

- Vậy thì đúng là “quái gở” thật.

- Chưa hết đâu, vừa rồi nhiều lao động ở một công ty may xuất khẩu ở Đà Nẵng, không ăn trưa ở nhà bếp của công ty do chất lượng ăn quá kém, vẫn bị trừ tiền.

- Sao có chuyện đó được. Có ăn mới có trả tiền chứ. Ăn ở đâu, ăn như thế nào là quyền của mỗi người chứ.

- Dưng công ty quy định phải ăn trong công ty, nếu không ăn vẫn mất tiền.

- Vậy cũng “quái gở” thật.

- Chưa hết đâu nhé, cũng tại công ty này, công nhân nghỉ vì lý do ốm đau, có giấy xác nhận của bệnh viện, nếu quá 2 ngày vẫn bị khấu trừ tiền lương.

- Nếu vậy thì đúng là “phép vua thua lệ làng” thật.

- Thì đó rõ là những quy định này, đứng trên cả Luật Lao động là gì.

- Chả trách cứ xảy ra đình công, lãn công.

- Biết rằng có nhiều vụ đình công, lãn công còn chưa tuân thủ trình tự pháp luật, dưng biết làm sao, để “chống” lại những quy định “quái gở” này, người lao động chỉ còn “vũ khí” cuối cùng là cùng nghỉ việc.

- Đúng là “lệ làng to quá!”.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này