Hết ngày chưa trả lời được

10:46 | 24/08/2017
“Khi Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”… hay, hay thật. Bác chắc có chuyện gì vui mà lại ngâm nga cái tuyệt phẩm này vậy. Đúng là rất nhân văn. Đất nước của thơ ca với những con người “đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép…”.
het ngay chua tra loi duoc Đúng là thế!
het ngay chua tra loi duoc Nhất định rồi!
het ngay chua tra loi duoc Sẽ còn nhiều chuyện

- Chú cũng đâu kém. Những tác phẩm bất hủ này đã reo vào lòng tớ ngay từ hồi nhỏ một tình yêu đất nước vô vàn. Thế mới gọi là văn chương chứ.

- Thì rõ rồi, sao bỗng nhiên bác hoài cổ vậy?

- Chả là hôm qua có ông bạn than phiền chuyện cũng có liên quan đến văn chương…

- Chuyện là thế nào bác?

- Chuyện giờ sao nhiều nhà văn, nhà thơ thế, làm vài bài thơ, viết vài câu chuyện tầm phào, chẳng ai nhớ nổi một từ, đã “chễm chệ” danh xưng “nhà thơ”, “nhà văn”. Hay cái cảm thụ văn học giờ nó khác, chú nhể.

-Ôi giời, đó là các “nhà” tự phong thôi bác. Bây giờ người ta chuộng danh hão là nhiều. Em biết có ông làm hàng trăm bài thơ theo dạng ghi chép, rồi bỏ tiền ra in vài tập. Vậy mà đi đâu cũng tự xưng “nhà thơ lớn” mới nguy hiểm chứ.

-Chết là ở chỗ đó, cũng không hiếm những nhà thơ đã thành danh, khi chén chú, chén anh đã không ngớt lời khen những bài thơ dạng này là tuyệt, là đổi mới, là bứt phá… thành ra mấy ông “tự xưng” ấy càng thêm ảo tưởng.

-Nhân bác nói chuyện này, em cũng công nhận thời này không những chỉ loạn “danh hiệu” mà còn loạn “nghệ danh” nữa. Ngoài cái anh “nhà thơ”, “nhà văn”, còn cả anh “ca sĩ”.

-Rồi viết vài bản nhạc ở dạng “gầm gào”, lập tức trở thành “nhạc sĩ”, thế mới oai chứ.

-Toàn tự phong đó mà bác. Không hiểu có quy định thế nào khi được gắn với “nhà văn”, “nhà thơ”, “nhạc sĩ”, “ca sĩ” không, chứ cứ thế này thì khéo cả nước làm nghệ thuật.

-Dưng những cái tự xưng này cũng chả thấm gì so với cái tự xưng đang “ồn ào” mấy ngày nay.

-Ý bác muốn nói đến cái “Giáo sư âm nhạc” phải không?

-Chính nó đấy. Hình như chưa bao giờ tớ nghe thấy cái cụm từ này. Chẳng hiểu có phải đây là “chiêu” PR không hay cũng chỉ là “tự phong cho vui”.

-Chả biết có phải PR không, dưng rõ ràng nó đã gây nên “cơn bão trên mạng”, mà ngay cả bác cũng đang quan tâm, nếu từ trước bác chưa biết NS là ai, thì giờ biết rõ rồi nhé.

-Đúng thế thật, tớ mới chỉ biết qua qua về “Ông hoàng nhạc sến”, chứ chưa biết “ngang dọc” thế nào. Bỗng dưng thấy ồn ào đâm ra quan tâm.

-“Ông hoàng nhạc sến” hay “Giáo sư âm nhạc” cũng đều là tự phong cả, bác ơi.

-Dưng, theo tớ có cả sự dễ dãi của công chúng và phần nào của cơ quan quản lý nữa. Nếu cứ thế này thì thật “không phải” với những người đã được Nhà nước phong tặng những danh hiệu bằng sự phấn đấu và tài năng thực thụ của mình.

-Em xin khẳng định luôn với bác, đối với chức danh giáo sư ở Việt Nam, việc phong tặng thuộc về Nhà nước, có hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và các cấp. Như vậy cái tự phong này rõ ràng là có vấn đề đối với cả NS và cái Hiệp hội gì đó.

-Tự phong “nhà thơ”, “nhạc sĩ”, “ca sĩ”… thì còn dễ hiểu , chứ “Giáo sư âm nhạc” thì khó hiểu quá, bởi theo tớ biết thì ở ta hiện không có chức danh Giáo sư âm nhạc, mà chỉ có Giáo sư chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc hoặc Giáo sư chuyên ngành âm nhạc học.

-Vậy tại sao cái anh Hiệp hội lại cấp bằng khen cho “giáo sư âm nhạc” NS?

-Chú không nghe anh Hiệp hội khẳng định ca sĩ NS đã tự khai hồ sơ là "giáo sư âm nhạc" để Hội làm bằng khen à: "Anh ấy khai thế nào thì chúng tôi ghi thế thôi. Người ta khai thì người ta chịu trách nhiệm chứ liên quan đến chúng tôi đâu”.

-Nói vậy sao được, ngay cả việc NS tự khai thì Hội vẫn phải chịu trách nhiệm vì đã không kiểm tra thông tin chính xác trước khi trao bằng khen. Chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, việc người ta khai như thế nào cũng ghi như vậy là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm.

-Chú nói đúng, và ngay cả trả lời như trên cũng là thiếu trách nhiệm. Tớ nghĩ có cái gì đằng sau cái “bằng khen” này. Vừa kết nạp vào Hội có mấy ngày đã có “bằng khen”, cho dù NS cũng có lỗi do tự phong, dưng cái lỗi phần nhiều vẫn ở phía Hội vì bằng khen là từ phía Hội trao.

-Vậy đằng sau sự tự phong là sự dễ dãi…

-Thế đằng sau sự dễ dãi là gì?

-Bác hỏi như chuyện “gió sợ bờ tường, bờ tường sợ chuột cống …” có mà hết ngày chưa trả lời được.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này