Nhuộm tóc cho em

17:59 | 04/07/2017
Mỗi năm, tôi chỉ về thăm nhà được hai đến ba lần, mặc dù tuyến đường Hà Nội – Lào Cai giờ chỉ đi có 4 tiếng đồng hồ là tới. Nhưng trông đơn giản là thế nhưng mỗi khi muốn về còn phải phụ thuộc vào công việc, học hành của bọn trẻ… dường như quãng đường dù có ngắn hơn đi nữa thì những bộn bề của cuộc sống cũng khiến cho sự xa cách cứ dài ra mãi.
nhuom toc cho em Đằng nào chả cưới
nhuom toc cho em Xoay vòng xem nào!
nhuom toc cho em Muốn gia đình hạnh phúc, đừng bao giờ quên làm 8 điều sau
nhuom toc cho em Lời chào đầu ngõ

Mỗi năm chỉ về nhà khoảng hai lần, vì thế mà tóc mẹ tôi bạc đi lúc nào tôi cũng chẳng hay. Cũng vì mẹ tôi nhuộm tóc cho nên tôi không biết tóc bà bạc đi từ lúc nào. Sau khi nghỉ hưu, bố mở cửa hiệu cắt tóc ở nhà. Hàng ngày bố cắt tóc cho những khách hàng chủ yếu là những người già vả trẻ em, kiêm thêm cả việc nhuộm tóc bạc cho họ. Vì thế, bố nhuộm tóc cho mẹ.

Mẹ sinh thời đẹp gái nhất vùng, nhưng vất vả lo toan nên mau già. Mẹ sợ già, mẹ sợ những sợi tóc bạc cứ ngày ngày lại chen nhau mọc lên phủ mất cả lớp tóc đen tuyền ngày trước. Hồi còn trung niên, bố thường nhổ tóc cho mẹ bằng những hạt thóc, kẹp vào sợi tóc rồi nhổ lên. Khi về già, bố nhuộm tóc cho mẹ.

nhuom toc cho em
Ảnh minh họa: nguồn Internet

Hồi tết tôi về, mẹ ngồi trên cái ghế, còn bố cầm ca thuốc nhuộm đen sì, chạy vòng quanh mẹ để nhuộm tóc. Mẹ bảo: “Sao ông không đứng yên và xoay cái ghế”. Bố bảo: “Cứ kệ ông, ngồi đấy mà chỉ đạo, ông không nhuộm cho nữa bây giờ”. “Ông không nhuộm cho em thì xấu mặt ông chứ ai”. “Già rồi, chả cần”.

Bố với mẹ thường nói chuyện với nhau như thế. Bố bướng nhất quả đất, mẹ nhẫn nhịn nhất thế gian. Nhưng lúc mẹ cằn nhằn, bố thường im lặng hoặc bỏ vào giường đi ngủ, đỡ phải nghe.

Hồi tôi viết đơn ly hôn sau nhiều năm chúng tôi im lặng với nhau, mẹ buồn lắm. Mẹ bảo sao hai đứa chẳng nói chuyện với nhau để hiểu nhau hơn. Bố thì bảo, “Tao với mẹ chúng mày sống được với nhau đến bây giờ cũng là vì bà ấy cằn nhằn suốt ngày”. Có những nghịch lý mà cho đến giờ tôi phải công nhận là đúng. Đã từng có thời, tôi được người ta nhổ tóc bạc khi nó bắt đầu mọc vài cái trên đỉnh đầu. Chúng tôi có tuổi trẻ, có học thức, có những khúc mắc được dàn xếp theo kiểu văn minh. Và rồi, từ bao giờ chúng tôi đã không còn cãi vã nhau nữa. Sự im lặng dẫn chúng tôi đến thẳng bắc cực, nơi không ai còn đủ ấm áp mà thốt lên những lời tranh cãi.

Tôi còn nhớ có thời bố ham rượu chè, bố mẹ cãi vã trước con mắt hoảng sợ của chúng tôi. Bố còn đập cái bát thề rằng sẽ cắt đứt tình nghĩa vợ chồng với mẹ. Nhưng chỉ hai ngày, họ lại thủ thỉ anh anh em em. Từ bấy đến nay, không biết bao lần bố mẹ cãi nhau, nhưng cũng không bao giờ mẹ ngủ được nếu phải xa bố một đêm. Và mẹ vẫn cứ cằn nhằn từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Thỉnh thoảng bố cũng cáu loạn xạ, nhưng rốt cuộc, họ hiểu nhau.

Mẹ bảo: “Nếu không cãi vã thì làm sao các con biết người kia nghĩ gì, muốn gì?”. Quả đúng thế thật. Tôi nhớ lại trong phiên hòa giải của tòa án, tôi đã gân cổ lên kể tội chồng. Dường như mọi thứ trong suốt bao nhiêu năm tích tụ lại, chỉ chờ dịp đó là có thể bung ra. Giá như tôi được nói những điều này từ nhiều năm trước, hoặc như người ấy chịu để tôi nói thì có lẽ mọi việc dã khác.

Dạo này, tóc tôi cũng bạc gần như tóc mẹ. Ai cũng nói tôi “xấu máu” bởi với khuôn mặt còn trẻ và mái tóc bạc trắng đỉnh đầu, tôi thấy có điều gì đó vô cùng nghịch lý. Tôi phải nhuộm tóc, mỗi tháng một lần. Tôi đến hiệu nhuộm tóc, không được như mẹ tôi, đã có bố nhuộm tóc cho mẹ.

Hôm rồi về thăm nhà, bố khoe bài thơ “Nhuộm tóc cho em” mà bố ghi bằng nét chữ bay nghiêng trên trang vở học sinh xin được của cháu nội. “Mỗi tháng ngày qua mái đầu bạc tóc/Ông ân cần nhuộm tóc lại cho tôi/ Cuộc sống gia đình trải qua nhiều khó nhọc/Thời gian trôi chẳng kể nỗi vơi đầy/ Mái tóc tuổi xuân, một thời xanh là thế/ Ông ngả cánh tay, tôi ngả mái đầu/ Bồng bềnh, gió thổi, tóc vương/ Ông thì thầm, lặng lẽ nói yêu thương…”. Bố ký tên Hồng Kỳ, là tên của mẹ. Chúng tôi mấy đứa thắc mắc thì ông bảo, “vì bà không biết làm thơ, chỉ giỏi cằn nhằn nên ông viết hộ”.

Buổi chiều nhìn ông loay hoay cầm ca thuốc nhuộm đứng bên bà, tôi không khỏi chạnh lòng. Chỉ có những người có thể nói với nhau mới có thể nói hộ nhau tiếng lòng, như bố, như mẹ. Chúng tôi đã không thể làm như thế, qua những năm dài…

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này