Lưu ý khi chạy thận nhân tạo: 20 biến chứng có thể tử vong

17:36 | 01/06/2017
Vừa qua, tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra vụ việc 18 bệnh nhân chạy thận lọc máu chu kỳ bị biến chứng tập thể nghi do sốc phản vệ. Trong số đó đã có 7 bệnh nhân tử vong và 11 bệnh nhân khác đang được điều trị tích cực. Vụ việc trên đã khiến cho người dân, người bệnh và đặc biệt là những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này không khỏi hoang mang, lo sợ. 
20 bien chung co the tu vong Các chuyên gia y tế nói gì về sự cố y khoa?
20 bien chung co the tu vong Hà Nội cấp tốc rà soát các đơn vị chạy thận nhân tạo
20 bien chung co the tu vong 10 bệnh nhân bị sốc phản vệ ở Hòa Bình đã được chuyển về bệnh viện Bạch Mai

Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân trong vụ tai biến này, TS Nguyễn Hữu Dũng -Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Hơn 20 biến chứng có thể xảy ra khi chạy thận nhân tạo như: hạ huyết áp, buồn nôn và nôn, đau đầu, đau ngực, chuột rút ở bụng… Nặng hơn là hội chứng sa sút trí tuệ, hội chứng ép tim do tràn dịch hoặc tràn máu khoang màng ngoài tim, chảy máu cấp hoặc rối loạn đông máu thậm chí có thể gặp chảy máu não…dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Cũng theo TS Dũng, những biến chứng xảy ra trong quá trình chạy thận thì có nhiều, nhưng tựu chung có một số triệu chứng lâm sàng khá giống nhau (các tai biến này xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử lý kịp sẽ rất nguy hiểm). Cụ thể, có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu.

Đặc biệt theo TS Dũng phân tích, nếu để khí lọt trong quá trình bơm máu vào người bệnh nhân thì cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần 10 ml khí chèn vào có thể gây biến chứng tắc mạch máu, tử vong ngay lập tức.

20 bien chung co the tu vong
10 bệnh nhân bị biến chứng trong quá trình chạy thận tại Hòa Bình đã được chuyển lên điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.
Theo các chuyên gia y tế, sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ sau khi dùng thuốc. Nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1– 2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống. Bởi vậy, khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn hay tê lưỡi… thì cần nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý. Sau khi tiêm thuốc xong, người bệnh nên ở lại phòng tiêm khoảng 15- 30 phút, để đề phòng sốc phản vệ có thể xảy ra. Đặc biệt, nếu bạn có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi kê đơn thuốc, vì những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc phản vệ.

Với những bệnh nhân đã có chỉ định chạy thận, thời gian chạy thận thường kéo dài và liên tục. Do đó, người bệnh và cơ sở y tế cần tuân thủ và chuẩn bị theo đúng quy trình nghiêm ngặt của chạy thận, bao gồm: Máy móc, đường máu, đường dịch và quá trình chạy thận. Trong suốt thời gian chạy thận (3-4 tiếng/lần), cần có sự giám sát của nhân viên y tế.

“Đơn cử, trong lọc thận nhân tạo, nếu quả lọc máu không được sát trùng hàng ngày, rửa không sạch cũng gây nguy hiểm cho người bệnh. Dịch được pha không đảm bảo chất lượng, nước lọc xử lý không tốt cũng sẽ khiến nhiều bệnh nhân gặp dị ứng biến chứng”, TS Dũng ví dụ.

Bên cạnh đó theo các chuyên gia y tế, thể trạng, sức khỏe người bệnh không tốt là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới sốc khi chạy thận. Đặc biệt với bệnh nhân có thêm bệnh về tim mạch.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này