Muốn chuyển đổi giới tính: Có nên hợp thức hóa?

11:19 | 19/05/2017
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có khoảng 270.000 - 300.000 người có mong muốn chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, số người thực sự đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính một cách hoàn toàn ở nước ta đến thời điểm này rất ít. 
muon chuyen doi gioi tinh co nen hop thuc hoa Công nhận quyền chuyển đổi giới tính: Còn nhiều băn khoăn
muon chuyen doi gioi tinh co nen hop thuc hoa Cho phép chuyển đổi giới tính
muon chuyen doi gioi tinh co nen hop thuc hoa Chuyển giới chui: Hậu quả khôn lường

Khoảng gần 300 nghìn người muốn chuyển đổi giới tính

Cũng theo ông Quang, thực tế, nhu cầu có thể lớn hơn, nhưng không phải người nào có mong muốn cũng đủ điều kiện kinh tế hoặc sức khỏe để thực hiện các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính (CĐGT). Hoặc cũng có những người CĐGT ở nước ngoài tại các cơ sở chưa được cấp phép, nên khi về Việt Nam thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như hòa nhập với xã hội.

muon chuyen doi gioi tinh co nen hop thuc hoa
Đại diện cộng đồng người chuyển giới góp ý vào dự thảo luật.

Vì vậy, để góp phần giải quyết những vấn đề trên, hiện Bộ Y tế đang tiến hành soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Và tại buổi tọa đàm về chủ đề này được tổ chức mới đây, đại diện Bộ Y tế đã đưa ra 3 phương án để công nhận các trường hợp CĐGT. Thứ nhất, có điều trị nội khoa bằng sử dụng hoóc môn.

Thứ hai, là sử dụng hoóc môn và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật). Thứ ba, là không can thiệp gì về mặt y tế (sử dụng hoóc môn hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục), mà chỉ kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, sau đó nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người CĐGT.

Trên thế giới hiện nay có 61 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, trong đó 38 quốc gia (62%) ở châu Âu yêu cầu người có mong muốn được công nhận CĐGT phải trải qua phẫu thuật, sau đó mới được công nhận về mặt giấy tờ nhân thân.

Ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Phillipines… cũng đưa ra điều kiện chỉ thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật. Còn một số nước cho phép công nhận giới tính mới mà không phải trải qua phẫu thuật như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel….

Về chính sách quy định tình trạng hôn nhân trước khi can thiệp chuyển giới, TS Nguyễn Huy Quang cho biết, định hướng là sẽ chỉ chấp nhận cho CĐGT với những người đang còn độc thân (chưa kết hôn, đã ly hôn hoặc đã góa vợ/chồng). Và chỉ những người đủ 18 tuổi trở lên mới được chuyển giới, bởi ở độ tuổi này họ mới đủ năng lực nhận thức, chịu trách nhiệm trước hành vi dân sự của mình.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh được can thiệp CĐGT, Vụ Pháp chế cho biết, vấn đề bất cập hiện nay mới chỉ có ba cơ sở được xem xét về giới tính (Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện nhi đồng 1, Bệnh viện nhi TW). Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ sở nào được phép thực hiện phẫu thuật CĐGT. Việc cho phép cơ sở nào được thực hiện CĐGT cần có quy định để tránh lạm dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người CĐGT.

Không được thanh toán BHYT?

Điều đáng nói, một trong những điều mà nhiều người quan tâm đó là chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho kinh phí thực hiện kỹ thuật CĐGT. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng người CĐGT phải chi trả toàn bộ mà không được thanh toán BHYT. Bởi đây là nhu cầu cá nhân của mỗi người, chứ không phải là một dạng bệnh lý để được thanh toán bảo hiểm.

Tuy nhiên, những người CĐGT có mặt tại hội thảo lại cho rằng BHYT nên thanh toán một phần, bởi hầu hết những người CĐGT đều gặp khó khăn về kinh tế. Dù họ có bằng cấp nhưng xin việc làm ở đâu cũng rất khó khăn. Hoặc nếu có đi làm thì đối với những người chuyển giới từ nam sang nữ phải làm những công việc rất nặng nhọc, vất vả. Nhiều người muốn sống với giới tính thật nhưng chỉ đủ tiền tiêm hoóc môn, mà không có tiền phẫu thuật chuyển giới.

Do vậy, họ cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc thanh toán BHYT. Bên cạnh đó, viêc mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh được phép can thiệp (thực hiện phẫu thuật, tiêm hormone) chuyển giới. Sẽ giúp những người có mong muốn chuyển giới dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận với dịch vụ hơn.

Bạn Hoàng Lan, sống tại Hà Nội (chuyển giới nữ) cho rằng, việc CĐGT ảnh hưởng đến cả cuộc đời mỗi người. Do đó phải đảm bảo sức khỏe của bản thân là trên hết. Trong quá trình đi tìm lại bản thân cần tìm cơ sở y tế, bệnh viện được cấp phép, vậy mới đủ điều kiện để thực hiện các ca phẫu thuật CĐGT, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

TS Nguyễn Huy Quang chia sẻ: “Đây là buổi hội thảo thứ hai lấy ý kiến cho dự thảo Luật CĐGT. Và Bộ Y tế sẽ còn tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp về 8 nội dung chính sách ở nhiều cuộc hội thảo khác, ở trên các diễn đàn về vấn đề chuyển đổi giới tính để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét”.

Được biết, dự án luật đang trong quá trình tham vấn, xin ý kiến. Nếu được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội cuối năm nay, Bộ Y tế sẽ hoàn thành dự án luật chi tiết để trình Quốc hội xem xét trong năm 2019, nhanh nhất thì cuối năm 2019 mới được thông qua.

Mặc dù, Luật đang trong quá trình xây dựng, bên cạnh những ý kiến đồng ý nên ban hành văn bản luật để công nhận việc chuyển đổi giới tính, song cũng không ít ý kiến cho rằng việc này là không nên hợp thức hóa. Theo một số người, tạo hóa đã ban cho con người những thiên chức (nam - nữ) thì không nên đổi thay.

Thứ nữa, với truyền thống văn hóa nước nhà việc giữ lấy cái gốc mới là quan trọng, không nên hợp thức hóa để một số bạn trẻ chạy theo xu thế của thời đại (trừ những trường hợp đặc biệt). Hơn nữa, một khi hợp thức hóa việc CĐGT sẽ ảnh hưởng đến quy mô dân số sau này.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này