Chủ động phòng, chống thiên tai

13:45 | 11/05/2017
Trước những diễn biến bất thường, trái quy luật của thời tiết, các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai năm 2017 cụ thể, chi tiết, sát với thực tế.  
chu dong phong chong thien tai Không đề xuất hạ cốt đê sông Hồng
chu dong phong chong thien tai Ngang nhiên chiếm đê “làm vườn”

Chiều 9/5, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Đỗ Đức Thịnh - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội cho biết, tình hình thời tiết đã và đang có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật: Mùa đông ấm, nhiều đợt không khí lạnh tăng cường kéo dài đến tháng 5. Dự báo tình hình thời tiết những tháng tới còn diễn biến phức tạp như nền nhiệt cao hơn nhiều năm, mưa lũ diễn biến bất thường và ở mức cao.

chu dong phong chong thien tai
Khu vực bãi tương ứng vị trí K73+530 tuyến đê hữu sông Hồng.

Theo ông Thịnh, do tác động của El Nino, năm 2017, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, xuất hiện khoảng 7-10 cơn (trung bình nhiều năm khoảng 12-13 cơn). Các tỉnh Đồng Bằng Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới tập trung vào tháng 7, 8 và 9. Về nắng nóng, toàn mùa có khoảng 6-8 đợt nắng nóng (trừ 2 ngày trở lên). Đợt nắng nóng đầu tiên có thể xảy ra vào đầu tháng 5. Nắng nóng chủ yếu tập trung vào nửa cuối tháng 5, 6 và tháng 7. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến ở mức 38-40 độ C. Toàn mùa có từ 6-8 trận mưa to đến rất to (lượng mưa >50mm trong 24 giờ).

Liên quan đến tình trạng xe quá tải chạy trên đê, ông Trung khảng định: Tình trạng xe quá tải "cày xới" trên các tuyến đê vẫn đang diễn ra phức tạp, nhất là tại tuyến đê sông Hồng, đoạn Phú Xuyên – Thường Tín.

Quy định chỉ cho phép xe có trọng tải đến 10 tấn được tham gia lưu thông, tuy nhiên thực tế hiện nay có những xe 20-30 tấn vẫn hoạt động trên các tuyến đê dẫn tới sụt lún, hỏng mặt đê. Giải pháp trước mắt vẫn là xử lý nghiêm xe quá tải trọng trên các tuyến đê xung yếu. Về lâu dài, Thành phố cũng xác định đầu tư cho 2 tuyến đê tả, hữu sông Hồng trở thành 1 tuyến giao thông quan trọng để đáp ứng nhu cầu giao thông của Thành phố.

Tổng lượng mưa toàn mùa từ tháng 5 - 10/2017 vào 1.300-1.500mm, ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2017 có khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Toàn mùa xuất hiện 2-3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2016 và thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Hạ lưu sông Hồng dưới mức báo động 1, các sông còn lại ở mức báo động 1 đến trên báo động 1.

Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2017 với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn về người và tài sản; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai như mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, úp ngập, hạn hán, rét hại, mưa đá... Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai.

Để chuẩn bị cho mùa mưa 2017, Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội đã triển khai kế hoạch khơi thông cống rãnh, nạo vét các tuyến mương, kênh dẫn, cống ngầm, cống ngang để tăng cường khả năng tiêu thoát úng. Xây dựng kế hoạch tiêu cục bộ ở những điểm thường xuyên úng ngập; sẵn sàng triển khai lực lượng ứng trực, mở nắp ga, khơi thông các hố ga, cảnh giới và hướng dẫn phương tiện giao thông tránh các điểm úng ngập.

Các doanh nghiệp thuỷ lợi đang tập trung tu sửa máy móc, thiết bị sẵn sàng vận hành 100% các trạm bơm tiêu úng, đầu tư tu sửa các công trình thuỷ lợi nội đồng, tăng cường khả năng tiêu thoát ra các sông nội đồng. Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch cắt sửa, chặt hạ cây nguy hiểm trên các tuyến phố. Đến hết tháng 3/2017, đơn vị này đã cắt tỉa trên 10 nghìn cây; chặt hạ 116 cây chết, sâu mục và giải tỏa 30 cây đổ để tránh nguy hiểm cho mùa mưa bão.

Theo ông Hà Đức Trung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đến nay đã có 23/30 quận, huyện, thị xã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2016 và triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai 2017. 15/30 quận, huyện, thị xã; 6 sở, ban, ngành, công ty gửi phương án phòng, chống thiên tai năm 2017 về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai Thành phố.

Riêng về công tác bảo vệ đê, ông Hà Đức Trung cho biết, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão đã báo cáo về hiện trạng công trình đê điều trước mùa lũ năm 2017 và đã xác định 3 trọng điểm, 10 điểm xung yếu (tính từ thượng nguồn sông Đà). Trọng điểm thứ nhất là khu vực cống Liên Mạc (đã có tuổi đời 79 năm), đây là khu vực cửa lấy nước vào sông Nhuệ, do tuổi đời lâu năm nên xảy ra hiện tượng rạn nứt.

Để hỗ trợ bảo đảm an toàn cho công trình, năm 2004, Thành phố đã đầu tư cống Liên Mạc 2 để giảm hỗ trợ và giảm xe chạy trực tiếp trên cống Liên Mạc. Trọng điểm thứ 2 là khu vực kè Xuân Canh, đây là khu vực ngã 3 sông Hồng, sông Đuống, là khu vực có dòng chảy biến động, địa chất phức tạp, thường xuyên xảy ra sự cố.

Trọng điểm thứ 3 là khu vực cống Yên Sở, do từ khi xây đựng đến nay chưa trải qua mực nước cao, chưa chịu thử thách qua các đợt nước lũ báo động nên là vị trí trọng điểm quan tâm nếu có sự cố xảy ra. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng phương án hộ đê, bảo hộ trọng điểm năm 2017, đồng thời báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi vào tháng 4/2017.

Các địa phương cũng đã có kế hoạch tăng cường quản lý đê, tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, kiểm tra thường xuyên đê điều, hồ đập; xử lý, báo cáo kịp thời mọi sự cố bất lợi xảy ra trên địa bàn quản lý ngay từ khi phát sinh.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này