Dòng thời gian

12:09 | 21/04/2017
Lớn để thấy mình mất đi nhiều điều tốt đẹp, mất đi sự hồn nhiên, lớn lên để thấy nhiều điều không đẹp của cuộc sống, thấy mình mệt mỏi trong từng ngày trôi qua, và để cảm thấy mình quá bé nhỏ trong cuộc đời.
dong thoi gian Lời cầu hôn
dong thoi gian Rặng phi lao và bờ cát trắng
dong thoi gian Lấp đầy khoảng trống
dong thoi gian Làm lại từ đầu

Nhớ lúc bé, rồi khi còn đi học, lúc nào cũng mong được chóng lớn, lớn để làm những việc mình thích, để thực hiện những ước mơ của mình, để mọi người tôn trọng ý kiến của mình, được tự chứng tỏ mình, và còn nhiều lý do khác để ước mơ được mau lớn. 18 tuổi, tuổi chưa là người lớn hoàn toàn, nhưng cũng chẳng là trẻ con nữa. Bước những bước chân đầu tiên vào đời, cái tuổi tự mình làm chủ cuộc sống, đã biết tự sắp xếp, tự chịu trách nhiệm cuộc sống cho mình, mới thấy khi lớn lên không như những mong ước ngày bé. Năm 18 tuổi, người ta phân vân giữa vô số ngả đường. Chọn trường nào, thi vào đâu, trường nào dễ đậu, trường nào ra dễ xin việc, trường nào học xong có suất làm trước hay trường nào thì có thể cho mình sống đúng với ước mơ của chính mình.

dong thoi gian

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

19 tuổi, thấy mình mất đi nhiều điều tốt đẹp, mất đi sự hồn nhiên; lớn để thấy nhiều điều không đẹp của cuộc sống, thấy mình mệt mỏi trong từng ngày trôi qua, lớn để cảm thấy mình quá bé nhỏ trong biển lớn cuộc đời mênh mông... biết cảm nhận cuộc sống, biết buồn, biết đau khổ, biết tính toán cho mỗi ngày mới. Biết buồn khi gặp thất bại, biết chia sẻ với những nỗi đau, phải giấu đi những suy nghĩ thật của mình để mong người khác vui lòng.

Lên đại học, cảm giác như có một sự đổ vỡ. Người trẻ hốt hoảng, bao năm học tập, giờ lên đại học là thế này sao. Nhưng cũng có người hào hứng, bắt kịp môi trường mới nhanh chóng. 23 tuổi, ra trường. sau 4 năm học, trải qua cảm giác thi rồi đậu, thi lại rồi học cải thiện, cuối cùng cũng cầm được tấm bằng. Học xong 4 năm, nói làm được gì, học được những gì, cảm giác quên sạch. Thôi thì chữ thầy giả thầy.

Tốt nghiệp, cầm bằng về gói kĩ cất trong tủ. Đắng lòng, nhận ra xung quanh mình, bạn bè có những đứa chỉ học trung cấp, cao đẳng 2, 3 năm nhưng đã có công việc ngon lành. Còn mình cái bằng đại học giờ lại rẻ tới vậy. Lại mới thấy có lẽ bản thân đã quá ảo tưởng, đặt quá nhiều kì vọng và niềm tin vào tấm bằng, để giờ đây lại thấy hoang mang.

Thế rồi đi làm, người ta lao vào làm. Làm rồi nghỉ, vừa làm vừa học, cứ khập khiễng, đứt đoạn. Cho đến lúc ngoảnh lại vẫn thấy mình chưa làm được trò trống gì. Lúc đó mới giật mình hỏi bản thân rốt cục mình thích gì, thực sự đam mê gì, cái mình theo đuổi trong suốt bao năm trời ở ghế nhà trường có phải, có đáng được gọi là ước mơ. Người ta loay hoay trong mớ câu hỏi xác định lại bản thân, xác định lại phương hướng cho chính mình.Như 1 vòng quay, vẫn thấy mình hụt chân trong vòng quay đó. Người ta cứ đi, rờ rẫm mà chẳng biết đi về đâu, đi về nơi nào.

Đấy, khi ta lớn, cuộc sống của ta là vậy. Ta lớn để nhận được những lo toan, những nỗi buồn, những tính toán cho những ngày tới. Khi lớn ta không được cười thoải mái. Có những chuyện buồn, trắc trở trong cuộc sống, khiến ta phải giấu kín trong lòng, không thể chia sẻ với ai, không như ngày bé có thể vô tư chia sẻ với bố mẹ. Ta mất đi sự thoải mái trong tâm hồn, để từng ngày trôi qua, người ta có thêm nhiều điều để suy nghĩ, từ đó trưởng thành hơn mỗi ngày.

Khi thành người lớn, phải biết cho nhiều hơn là nhận, cho đi những tình cảm yêu thương của mình đến người xung quanh, không còn vô tư nhận về những sự quan tâm của bố mẹ, bạn bè mà không nghĩ đến sự đáp trả.Và ta hiểu rằng khi ta lớn lên hằng ngày là thời gian những người thân ở lại bên ta càng ngắn lại, nhận biết rằng cuộc đời là những sự ly tan, không có gì là mãi mãi. Vì vậy tại sao phải lớn để phải đối đầu với những chông gai trong cuộc sống này. Nếu ai còn trẻ, hãy sống và tận hưởng thời gian đó vì tuổi trẻ không bao giờ quay lại được.

T.An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này