Thỏa ước lao động tập thể: Phải mang lại quyền lợi cho người lao động

10:24 | 21/03/2017
Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với những điều khoản có lợi cho người lao động luôn là vấn đề được tổ chức công đoàn quan tâm. Bởi trên thực tế, doanh nghiệp nào xây dựng được TƯLĐTT tốt, thì ở nơi đó quyền lợi người lao động được đảm bảo, quan hệ lao động được hài hòa.
phai mang lai quyen loi cho nguoi lao dong CĐ ngành Dệt-May Hà Nội: Cần sớm ký kết TƯLĐTT cấp ngành
phai mang lai quyen loi cho nguoi lao dong Thỏa ước lao động tập thể: Công cụ quan trọng bảo vệ quyền lợi của NLĐ

Chuyển biến tích cực

Xác định tầm quan trọng của TƯLĐTT chính là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn từ Trung ương tới địa phương luôn có những biện pháp, giải pháp để nâng cao số lượng cũng như chất lượng các bản TƯLĐTT.

phai mang lai quyen loi cho nguoi lao dong
Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể tại Công ty CP tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô thị Việt Nam

Tại Hà Nội, theo LĐLĐ thành phố, riêng trong năm 2016, chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”, Đề án xây dựng Thư viện Thỏa ước Lao động tập thể mà Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai đã được các cấp CĐ Thủ đô tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả.

Đã có 43,3% doanh nghiệp có tổ chức CĐ ký Thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung cao hơn pháp luật, có lợi cho người lao động. Một số CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ đại diện thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Những đơn vị làm tốt việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT có thể kể đến như CĐ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO). Ông Phan Thanh Chung, Chủ tịch Công đoàn HANDICO cho biết, hầu hết các đơn vị trong Tổng Công ty đều xây dựng được bản TƯLĐTT có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật. Cũng chính vì vậy, đời sống CNLĐ luôn được đảm bảo. Trong nhiều năm qua, không có đơn thư, khiếu nại liên quan đến quyền lợi, các chế độ chính sách đối với người lao động.

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng là một đơn vị luôn chú trọng và thực hiện tốt việc xây dựng, ký kết TƯLĐTT. Hàng năm các đơn vị trong Tổng Công ty đều tiến hành rà soát, ký kết lại TƯLĐTT phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị hoặc sửa đổi bổ sung nội dung thỏa ước thông qua ý kiến đóng góp của người tại hội nghị Cán bộ công chức, hội nghị người lao động.

Quản lý số lượng lớn các CĐCS doanh nghiệp FDI và lực lượng lớn CNLĐ trực tiếp, việc thương lượng, ký kết, xây dựng TƯLĐTT cũng được CĐ các KCN&CX Hà Nội đặc biệt coi trọng. Bà Trần Thu Phương, Phó Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội cho biết, năm 2016, CĐ các KCN&CX Hà Nội đã đốn đốc, hướng dẫn 58 CĐCS thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động kí kết TƯLĐTTT, nhiều thỏa ước có quy định những chế độ có lợi hơn cho người lao động, nhất là lao động nữ.

Chẳng hạn, một số công ty như: Công ty TNHH Denso Việ Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội thực hiện hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho người lao động. Một số công ty như Công ty TNHH Kyoei Việt Nam, Công ty TNHH Meiko Việt Nam, Công ty Vietnergy, Công ty TNHH Toyodagiken, Công ty TNHH Rhythm Kyoshin Hà Nội, Công ty TNHH Hanoi Steel Center, Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam, Công ty TNH Rhythm Việt Nam v.v thực hiện bố trí cho lao động nữ mỗi tháng nghỉ 3 ngày, mỗi ngày 30 phút trong thời kỳ kinh nguyệt mà vẫn hưởng đủ lương.

Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội bố trí cho lao động nữ có thai có nguyện vọng được việc làm hành chính hoặc các công việc nhẹ nhàng, được nghỉ sớm 60 phút dưỡng thai; hay Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam thực hiện ứng trước tiền lương của 6 tháng nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con đảm bảo chi phí sinh hoạt v.v...

Vẫn còn nhiều bất cập

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song cũng theo LĐLĐ Thành phố, việc chỉ đạo thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tại hội nghị giao ban về công tác chính sách pháp luật trong các cấp CĐ Thủ đô do LĐLĐ Thành phố tổ chức mới đây, ông Tạ Văn Dưỡng- Phó ban phụ trách ban Chính sách pháp luật LĐLĐ Thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 2038 doanh nghiệp đã tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT; số đã đăng ký với sở LĐTB&XH thành phố là trên 1700 bản.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam từ tháng 4/2016, LĐLĐ Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thư viện TƯLĐTT” tới các cấp CĐ Thủ đô. Mặc dù LĐLĐ Thành phố triển khai sớm, song số lượng TƯLĐTT nộp về LĐLĐ Thành phố rất chậm. Tới 10/3/2017, LĐLĐ Thành phố mới thu được 82 bản TƯLĐTT (bằng 20,8% tổng số bản TƯLĐTT đã đăng ký).

“Đáng nói, chất lượng TƯLĐTT thấp, nội dung chủ yếu sao chép Luật, ít có nội dung có lợi hơn cho người lao động. Các nội dung có lợi hơn cho người lao động chủ yếu là các khoản thăm hỏi, hiếu, hỉ, ốm đau, trợ cấp khó khăn. Những nội dung cốt lõi khác như: tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, cải thiện điều kiện lao động, An toàn vệ sinh lao động, bữa ăn ca... hầu như chưa được đưa vào thỏa ước”- Ông Tạ Văn Dưỡng cho biết.

Trao đổi tại buổi giao ban, các cán bộ CĐCS phản ánh, nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, chủ yếu là do phần lớn người sử dụng lao động, kể cả BCH CĐCS chưa nhận thức được tầm quan trọng của TƯLĐTT. Kỹ năng đối thoại, thương lượng của cán bộ CĐCS còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng tìm kiếm lợi nhuận, chưa quan tâm đến người lao động.

Các cán bộ CĐ Thủ đô cho rằng, để có thể xây dựng được những bản TƯLĐTT thực sự vì quyền lợi người lao động đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ nhiều phía. Trước hết, tổ chức CĐCS cần khẳng định vai trò đại diện của mình. Cán bộ CĐCS cần tích cực học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tham khảo những bản thỏa ước tiên tiến để kịp thời hướng dẫn người lao động thương lượng những điều khoản mang tính tích cực.

Cán bộ CĐCS cũng cần tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm tâm lý, tính cách, quan điểm của người sử dụng lao động và văn hóa của chủ đầu tư nước ngoài để lựa chọn phương pháp đối thoại, thương lượng phù hợp; chủ động tham mưu để chủ sử dụng lao động thường xuyên có những thay đổi, bổ sung phù hợp thực tế vào thỏa ước.

Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng chí đạo: LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở phải coi việc ký kết TƯLĐTT là công tác trọng tâm chủ yếu trong hoạt động của mình, để thực hiện một cách sát sao, quyết liệt hơn nữa.

Cần tăng cường hơn nữa vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc chỉ đạo, hỗ trợ CĐCS thương lượng, xây dựng TƯLĐTT, đặc biệt quan tâm những doanh nghiệp thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cán bộ CĐCS nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng đối thoại và thương lượng với doanh nghiệp.

Có như vậy, mới có thể xây dựng được những bản TƯLĐTT có chất lượng, thật sự mang lại quyền lợi cho người lao động, chứ không chỉ mang tính hình thức và chỉ là sự sao chép của Luật như tình trạng phổ biến hiện nay.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này