Giúp người lao động tự bảo vệ chính mình

11:39 | 17/03/2017
“Thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội và các tổ tư vấn pháp luật CĐ cấp trên cơ sở đã giúp cho người lao động hiểu rõ quyền và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình nhằm giữ được việc làm, nâng cao đời sống, tự bảo vệ chính mình trong quan hệ lao động”. 
giup nguoi lao dong tu bao ve chinh minh Bảo vệ tốt quyền lợi của lao động nữ
giup nguoi lao dong tu bao ve chinh minh Lấy người lao động làm trung tâm

Đó là đánh giá được đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả công tác tư vấn pháp luật năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội tổ chức mới đây.

Trên 10 ngàn CNVCLĐ được tuyên truyền, tư vấn pháp luật

giup nguoi lao dong tu bao ve chinh minh

Bà Vũ Thị Hương- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội cho biết, năm 2016, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các Ban LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ các quận, huyện, CĐ ngành, CĐ cấp trên cơ sở, xây dựng triển khai kế hoạch hoạt động; lồng ghép tuyên truyền, tư vấn pháp luật với công tác phát triển đoàn viên, giải quyết tranh chấp lao động, công tác kiểm tra liên ngành với hoạt động tổ chức tuyên truyền Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Viên chức, BHXH, BHYT, BHTN tới CNVCLĐ. Nhờ đó, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho CNVCLĐ Thủ đô đạt những kết quả tích cực.

Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, CĐ cấp trên cơ sở tổ chức 64 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật liên quan tới người lao động cho khoảng 10.600 CNVCLĐ.

Trung tâm đã phối hợp với LĐLĐ các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, CĐ các ngành Công Thương, Y tế giải quyết một số cuộc tranh chấp lao động trong thực tiễn; phối hợp với LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm, LĐLĐ quận Thanh Xuân tổ chức 02 cuộc tư vấn, hỗ trợ thông tin pháp luật cho các bên trong đối thoại thương lượng, tập thể…

Trung tâm cũng đã thực hiện tư vấn tại trụ sở cho 98 lượt người về những nội dung của Luật Viên chức, Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, BHTN… và một số lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia quan hệ lao động.

Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện tư vấn qua các hình thức khác như: Tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua website của LĐLĐ Thành phố và hộp thư điện tử của Trung tâm cho các đối tượng.

Ngoài hoạt động trực tiếp của Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội, công tác tư vấn pháp luật cho CNVCLĐ Thủ đô năm qua còn được thực hiện hiệu quả bởi mạng lưới các Tổ tư vấn pháp luật CĐ cấp trên cơ sở.

Năm qua, các Tổ tư vấn pháp luật CĐ cấp trên cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức tư vấn pháp lý lưu động cho CNLĐ tại các CĐCS; trực tiếp tư vấn tại trụ sở cho đoàn viên CĐ, CNLĐ đồng thời phối kết hợp chặt chẽ với Trung tâm để nắm bắt nhu cầu tư vấn pháp luật của CNLĐ và tổ chức tư vấn lưu động tại các khu nhà trọ hoặc tại doanh nghiệp.

“Có thể nói, thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật của các cấp CĐ đã giúp người lao động hiểu rõ quyền và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, nhằm giữ được việc làm, nâng cao đời sống, tự bảo vệ chính mình trong quan hệ lao động. Hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức CĐ đã từng bước tạo được niềm tin pháp lý cho đoàn viên, người lao động và CĐCS”- bà Vũ Thị Hương khẳng định.

Tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động

Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cũng yêu cầu Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, CĐ ngành có những điểm nóng để tham gia giải quyết kịp thời, triệt để những vụ việc tranh chấp lao động xảy ra nếu có.

Đặc biệt, đồng chí Phó Chủ tịch đề nghị trong năm tới, Trung tâm cần phát huy vai trò, mạnh dạn đảm nhận phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện thực hiện khởi kiện 3-5 vụ doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, BHXH…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền tư vấn pháp luật của các cấp CĐ Thủ đô trong năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Bà Vũ Thị Hương thẳng thắn cho biết: Công tác tư vấn pháp luật chưa được các cấp công đoàn quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí cho các hoạt động tư vấn tại cơ sở, chất lượng tư vấn chưa cao do kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn ít, mạng lưới tư vấn cơ sở trình độ nghiệp vụ và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, bộ máy và độ ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật còn mỏng, đều là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động tư vấn pháp luật chưa nhiều nên chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn của rộng rãi đối tượng CNVCLĐ.

Bà Đồng Thị Nga- Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức cũng cho rằng, mặc dù tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ huyện Hoài Đức đã được thành lập nhưng các thành viên trong tổ đều là kiêm nhiệm nên công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật chủ yếu do đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách đảm nhiệm.

Tuy nhiên, cán bộ CĐ chuyên trách cơ quan LĐLĐ huyện còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều mảng chuyên đề, trình độ nhận thức về pháp luật còn không đồng đều chính là vấn đề khó khăn trong thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động.

Ngoài ra, theo bà Đồng Thị Nga cũng như một số cán bộ CĐ cấp trên cơ sở, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Lao động nói riêng của chủ sử dụng lao động còn chưa nghiêm. Nhiều chủ doanh nghiệp cố tình né tránh không muốn người lao động của mình hiểu biết về pháp luật. Do đó CĐ rất khó tiếp cận với CNLĐ để tuyên truyền, tư vấn pháp luật.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tư vấn pháp luật cho người lao động, trong năm 2017, Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội đề ra 11 nhiệm vụ và 6 giải pháp.

Trong đó, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật cho đội ngũ tư vấn viên, cộng tác viên và thành viên các tổ tư vấn pháp luật CĐ cấp trên cơ sở cũng như cán bộ của Trung tâm.

Trung tâm sẽ tham mưu cho Thường trực LĐLĐ Thành phố chỉ đạo CĐ các cấp đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của tổ tư vấn pháp luật, nhất là kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật, xây dựng tổ chức pháp luật tại CĐCS.

Đặc biệt, Trung tâm sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và đối tượng tư vấn như tư vấn cho các chủ doanh nghiệp để họ thực hiện đúng quy định của pháp luật; lồng ghép nộ dung tuyên truyền với nội dung tư vấn; xây dựng nội dung tuyên truyền lồng ghép với các tình huống cụ thể có thể dẫn tới tranh chấp lao động khi người lao động không hiểu biết và người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật; tăng cường tổ chức tuyên truyền, tư vấn, đối thoại giữa CNLĐ và chủ các doanh nghiệp nhằm hạn chế những phát sinh tranh chấp lao động.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác tư vấn pháp luật của các cấp CĐ Thủ đô năm 2017. Đồng tình với những chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội đặt ra trong năm 2017.

Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng cũng yêu cầu, năm tới, ngoài duy trì, phát triển hoạt động tuyên truyền pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn pháp luật.

Đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố gợi ý, đồng thời là giao nhiệm vụ cho Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội cần phối hợp với CĐ các KCN&CX Hà Nội thành lập văn phòng tư vấn pháp luật tại các KCN&CX Hà Nội để CNLĐ trong các KCN&CX Hà Nội có thể dễ dàng tìm đến khi có những vướng mắc trong quan hệ lao động hoặc khi muốn tìm hiểu về pháp luật lao động.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này