Dự thảo sửa đổi Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015:

Phải phạt thật nặng

13:59 | 24/02/2017
Hành vi vi phạm ATTP phải được hình sự hóa trong BLHS, ngoài phạt tiền còn phải phạt tù những đối tượng có hành vi vi phạm ATTP, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng. Đó là một trong số những ý kiến xung quanh việc xử phạt hành vi vi phạm ATTP theo Dự thảo sửa đổi Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015.   
phai phat that nang Tạo chuyển biến về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp
phai phat that nang Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm
phai phat that nang Truyền thông phụ nữ chung tay thực hiện VSATTP

Theo Điều 317 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định, người vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm, khi vi phạm các hành vi sau: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm…

Trong phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/2, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, trong đó có bàn về viếc xử phạt hành vi vi phạm ATTP: Xung quanh việc xử phạt hành vi vi phạm ATTP, có ý kiến cho rằng, tội vi phạm quy định về ATTP (Điều 317 BLHS 2015) cần bổ sung định lượng để tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP.

phai phat that nang
Lực lượng chức năng kiểm tra thu giữ gần 900kg mỡ bẩn.(ảnh Cục QLTT Hà Nội)

Theo tinh thần bản Báo cáo, Ủy ban Tư pháp nhận thấy điểm a, b và c Khoản 1 Điều 317 quy định “chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả đã xử lý hình sự” là quá nặng. Tuy hành vi vi phạm ATTP khiến xã hội rất bức xúc, nhưng để xảy ra thực trạng này, có nguyên nhân không nhỏ từ khâu quản lý Nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm. Nếu làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm.

Không đồng tình với Báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng vệ sinh ATTP đang là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đơn cử, có hai vụ ngộ độc lớn trong thời gian gần đây, xảy ra ở tỉnh Lai Châu và Hà Giang đã gây thiệt hại về người. Trong đó, vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu có 8 người tử vong, nhiều người phải nhập viện; vụ ngộ độc ở Hà Giang có hơn 60 người ngộ độc phải cấp cứu.

Trong khi đó, Dự thảo sửa đổi Điều 317 về tội danh vi phạm ATTP đưa ra phương án: Phạt tiền từ 50 triệu đồng - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm đối với những người thực hiện hành vi vi phạm về ATTP mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 120%; hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Bàn về vấn đề này, Luật sư Đỗ Thúy Phượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, dù mới chỉ dừng ở Dự thảo, chưa được Quốc hội thông qua, nhưng vấn đề xử phạt đối với vi phạm ATTP được người dân đặc biệt quan tâm. Vì hơn hết, những điều luật này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân. Rõ ràng, hành vi vi phạm ATTP phải được hình sự hóa trong BLHS, ngoài phạt tiền còn phải phạt tù những đối tượng có hành vi vi phạm ATTP, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng.

Nguyễn Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này