Quản lý về an toàn thực phẩm kém hiệu quả:

Vì thiếu kinh phí?

20:20 | 16/02/2017
Sáng 15/2, đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các bộ về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016. Tại đây, một số bộ đã viện lý do kinh phí ít nên ảnh hưởng đến công tác giám sát, quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP).
tin nhap 20170216102409 Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm
tin nhap 20170216102409 Rất cần an toàn thực phẩm

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2016 bộ này được cấp 192.370 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Nguồn thu được để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý an toàn thực phẩm (phí, lệ phí) là 959.143 triệu đồng. Cạnh đó, Bộ cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật quốc tế qua 7 dự án ODA của nước ngoài với tổng kinh phí 2.108.765 triệu đồng.

tin nhap 20170216102409
Thực phẩm bẩn vẫn lưu hành, trong khi quản lý thì chồng chéo

Mặc dù số tiền khá lớn như vậy, song theo Bộ NNPTNT, mức đầu tư như vậy vẫn còn rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra tại nghị quyết của Quốc hội cũng như chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm. Cụ thể, kinh phí Bộ được cấp để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015 chỉ đạt 29,68% kế hoạch đề xuất cũng là là một khó khăn lớn để đảm bảo hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.

Còn phía Bộ Công Thương thì báo cáo, tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động đảm bảo ATTP của ngành giai đoạn 2011- 2015 là 101 tỉ đồng. Riêng các nguồn kinh phí cấp cho hoạt động sở Công Thương các địa phương (đơn vị trực tiếp triển khai các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương) rất hạn hep nên các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý và thực thi nhiệm vụ tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình, đề án.

Cùng chung quan điểm “ít kinh phí” đại diện Bộ Y tế cho hay, nếu so sánh, giai đoạn 2001 - 2005 về mức chi cho công tác ATTP chỉ bằng 1/25 của Thái Lan (Thái Lan là 1USD/người/năm còn Việt Nam là 780 đồng/người/năm). Giai đoạn 2006 - 2016 kinh phí được tăng lên khoảng 1.600 đồng/người/năm. Giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh mỗi năm mỗi thành phố chi trên 100.000 đồng/người.

Mặc dù, chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm có tổng mức vốn là 4.139 tỉ đồng (giai đoạn 2012 - 2015). Tuy nhiên, tính từ năm 2011 đến 2015 thì tổng nguồn vốn chi ra mới là 1.251,49 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 30,2% so với tổng mức vốn được phê duyệt. Riêng viện trợ quốc tế là 430 tỉ đồng thì đến nay mới huy động được khoảng 10 tỉ đồng.

Đánh giá chung về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 Bộ Y tế cho biết từ 2011 - 2015 cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỉ đồng. Kết quả giám sát liên tục từ 2011 - 10/2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm. Trong giai đoạn 2011 - 2016 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), nguyên nhân do độc tố tự nhiên chiếm 27,9%, do hoá chất chiếm 4,3% và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

Nhìn lại bản báo của các bộ chuyên ngành, thực tế để mất vệ sinh ATTP như thời gian qua không chỉ nguyên nhân chính là thiếu kinh phí, mà điều quan trọng là chưa có cơ quan “cầm trịch” trong lĩnh vực này. Mỗi bộ chuyên ngành (NNPTNT, Công Thương, Y tế) đều có một góc quản lý về ATTP dẫn đến chồng chéo nhau về chức năng, không quy được trách nhiệm. Do đó, theo các chuyên gia, để công tác quản lý nhà nước về ATTP một cách tốt nhất, điều cần làm phải quy về một đầu mối, chứ không thể mãi bài ca “mỏng nhân sự, thiếu kinh phí”.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này