Chớ đùa với “phượt”!

11:37 | 13/01/2017
Vài năm gần đây, xu hướng phượt hay còn được hiểu là du lịch bụi phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người yêu du lịch. Tuy nhiên, gần đây tình trạng biến tướng của phượt có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, không ít chuyến phượt xem nhẹ yếu tố an toàn đã dẫn đến những tai nạn thương tâm. Phượt hay đấy, nhưng không phải chuyện đùa…
cho dua voi phuot Đam mê “phượt” sao cho lành mạnh
cho dua voi phuot Nghe phượt thủ kể chuyện du xuân

Vậy “Phượt” là gì? Thực ra, không có một định nghĩa chính xác nào về “phượt”. Người ta hiểu phượt là hình thức đi du lịch theo kiểu tự khám phá chứ không phải đi theo tour. Đây là loại hình du lịch hấp dẫn giới trẻ vì nó không bị lệ thuộc vào hành trình quy định. Dân phượt hay còn gọi là phượt thủ, họ là những kẻ lãng du trẻ tuổi, ham phiêu lưu bằng xe máy, tới những vùng núi non hiểm trở.

Hành trang mang theo mình rất đơn giản, giản dị trong phong cách, không cầu kì trong ăn mặc, năng động phiêu lưu. Họ đi phượt để cảm nhận cuộc sống tung hoành, tự do, để khám phá những nền văn hóa mới, để trải nghiệm và thấy trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi. Chính vì vậy mà mỗi phượt thủ chân chính đều phải tự biết trang bị cho mình nhiều kĩ năng sống cũng như phải tìm hiểu trước nơi mình đến.

cho dua voi phuot
Hãy để những chuyến đi có ý nghĩa bằng cách tự mình có trách nhiệm với chính mình. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ một hoạt động mang nhiều ý nghĩa trải nghiệm hay ho, thú vị về du lịch bụi, hoạt động này đã bị nhiều phượt thủ biến tướng, khiến dư luận mỗi lần nhắc đến chữ này đều có phần ngán ngẩm. Với mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, hàng trăm nhóm phượt đã được thành lập với rất nhiều leader (trưởng đoàn hay người dẫn đường) còn thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức các chuyến đi, hoặc tổ chức những chuyến đi để trục lợi cho bản thân. Một số trưởng đoàn không có ý thức trang bị cho các thành viên đầy đủ áo phản quang khi đi tối, dụng cụ sửa xe mà chủ yếu thân ai tự lo. Thậm chí nhiều trưởng đoàn lập lờ chuyện tiền bạc và không thể giải trình rõ ràng, thấu đáo mọi thắc mắc của các thành viên trong đoàn về những khoản thu chi của chuyến đi.

Bạn Trần Hoàng Nam – thợ chụp ảnh tại Cáo Studio, người có chuyến đi phượt ở Mù Cang Chải (Yên Bái) bức xúc kể : “Trong chuyến đi lên Mù Cang Chải với một nhóm phượt khá nổi trong cộng đồng du lịch bụi nhưng mình rất thất vọng. Chuyến đi này mình phải đóng 600 nghìn đồng, chưa kể tiền xăng phải tự chi trả. Với số tiền không hề nhỏ nhưng nhóm mình không được ngủ nhà nghỉ mà phải ngủ nhờ ở một trường học còn hôm sau thì mọi người dải bạt ngủ ngoài đường. Số tiền ăn uống, các khoản chi phí phát sinh khác cũng được kê khai rất vô lý. Cụ thể, ăn quán hết 50 nghìn nhưng khi báo lại với mọi người thì kê khống lên 100 nghìn. Ngoài ra khi kết thúc chuyến đi có thừa tiền thì không trả lại thành viên mà nói rằng tiền thừa đó là tiền công “dẫn đường”. Như vậy, hoạt động đi phượt vốn rất trong sáng nay đã bị biến thành các tour du lịch thu chi không rõ ràng để một số phần tử trục lợi.

Ngoài trục lợi, phượt còn bị nhìn nhận xấu xí hơn khi nhiều với nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do các nhóm phượt đi không an toàn. Việc các bạn trẻ tham gia những chuyến đi để trải nghiệm là việc làm rất được khuyến khích. Nhưng đi làm sao để thật sự đem lại nhiều ý nghĩa mà an toàn cho bản thân thì không phải ai cũng làm được. Dù đi phượt là mạo hiểm nhưng nhiều nhóm tổ chức đi theo kiểu bạt mạng, xuyên đêm với vận tốc không dưới 80km/h mà không cần quan tâm đến an toàn của bản thân và của người khác. Đã có vô số những tai nạn giao thông đang diễn ra hằng ngày trên các cung đường....Thậm chí, năm nào cũng có những mảnh đời còn rất trẻ bỏ lại trên những con đường cho thấy cái giá phải trả cho sự vô trách nhiệm với bản thân đôi khi rất nghiệt ngã.

Khi mà trào lưu phượt đang nở rộ và biến tướng một cách khó kiếm soát như hiện nay, các bạn trẻ mới tham gia phải tự trang bị cho mình những kiến thức đi đường cơ bản và hành trang cần thiết cho một chuyến đi. Đừng vì nhanh một giây mà chậm cả đời vì phía sau tay lái còn cả một gia đình. Đi là để trở về, trở về với chính bản thân mình, trở về ngôi nhà thân yêu của mỗi chúng ta.

Mới đây, vào rạng sáng ngày 8/1/2017, hai phượt thủ đi xe máy từ Tam Đảo về Hà Nội đã va chạm với một ôtô tải trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khiến cả hai người trên xe đều tử vong. Thông tin ban đầu cơ quan công an ghi nhận, nạn nhân trong vụ việc là anh Ngô T. T. (SN 1988) và chị Cấn T. Tr. (SN 1997), cùng quê Hà Nội. Vào tối 7/1/2017, chị Tr. cùng anh T. và khoảng 160 thành viên khác trong một nhóm phượt, đi bằng xe máy từ Hà Nội lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Sau khi ăn uống và có chút hơi men, rạng sáng ngày 8/1, anh T. cùng chị Tr. lên xe về Hà Nội, vì hôm sau anh này phải đi làm. Khi đến đường Phạm Văn Đồng (địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chiếc xe máy chở anh T. và chị Tr. đã xảy ra va chạm với xe ô tô tải. Cú va chạm mạnh khiến anh Ngô T. T. tử vong tại chỗ. Chị Tr. bị thương nặng, được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu, song cũng tử vong sau đó.

Điều đáng nói, đây là hai thành viên thuộc nhóm “Phượt bão đêm” – nhóm đã tổ chức chuyến đi lên Tam Đảo với hơn 100 xe máy rồng rắn nối đuôi nhau đi trong buổi đêm. Đa số ý kiến cho rằng, nhóm đi quá đông và nguy hiểm, lại còn uống rượu nên mởi xảy ra tai nạn. Bạn Vũ Quốc Khánh, đại diện nhóm cũng thừa nhận: “Nói một cách khách quan thì đoàn hôm đó thực sự là quá đông, bởi vì có sự ghép các đoàn khác. Trưởng nhóm và một số thành viên đúng là có uống rượu và uống nhiều. Sự việc của anh Ngô T.T và chị Tr. vừa qua là điều ai cũng không mong muốn xảy ra. Anh Ngô T.T lúc đó cũng có chút men trong người và buồn ngủ nên xảy ra chuyện đáng tiếc đó”.

Trước những sự việc như vậy, phượt đã bị một số phần tử biến tướng trở nên méo mó và xấu xí khiến dư luận ngán ngẩm. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều đoàn phượt đi nhưng không có ý thức khi có hành vi xả rác, ăn trộm trái cây của người dân, trèo lên cột mốc ba nước để tạo dáng hay nhậu nhẹt ồn ào huyên náo bên đường. Trong số đó, phần lớn các bạn trẻ đi phượt để chụp ảnh tự sướng là chính chứ hiếm khi đi với mục đích tốt đẹp tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa như phần lớn Tây balo. “Đã từ lâu tôi rút lui khỏi nhóm phượt vì nó quá xô bồ và tôi thấy xấu hổ khi mang danh là phượt thủ.

Hầu như năm nào cũng có những chuyện đáng buồn, bài học đắt giá phải trả bằng xương máu nhưng xong một thời gian mọi chuyện lại rơi vào quên lãng. Mặc dù, tôi đã nhiều lần góp ý cũng như cảnh tỉnh một số người nhưng vẫn không thể cản được các bạn trẻ thích thể hiện bản thân. Hiện tại tôi chỉ toàn độc hành hoặc đi với một nhóm là các bạn nước ngoài bởi đi với họ tôi hoàn thiện được bản thân rất nhiều”.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này