Đề án phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú: Còn nhiều thiếu sót

12:24 | 10/01/2017
Ngày 6/1/2017, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giai đoạn 2011 - 2015” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), qua đó chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm.
con nhieu thieu sot Một trường chỉ có 2 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT
con nhieu thieu sot Trường THPT Dân tộc nội trú Ngệ An: Cắt xén tiền học bổng của học sinh?

Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011 – 2015” nhằm thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương nói chung và chất lượng giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số cho địa phương, tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án đã bộc lộ nhiều thiếu sót, vi phạm.

con nhieu thieu sot
Ảnh minh họa.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ: Ban chỉ đạo đề án còn hoạt động mang tính hình thức, những tồn tại, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện đề án chưa kịp thời phát hiện, chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý và tháo gỡ: Việc quy hoạch mạng lưới các trường PTDTNT, kế hoạch sử dụng học sinh dân tộc, việc chậm cấp kinh phí, định mức biên chế giáo viên và cán bộ quản lý học sinh, chế độ ăn, thưởng cho học sinh DTNT. Đề án không có nội dung cung cấp trang thiết bị dạy học cho các trường được xây mới, dẫn đến cơ sở vật chất các trường không đồng bộ, không quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc tổ chức và huy động các nguồn lực tại địa phương để lồng ghép thực hiện đầy đủ các hoạt động của đề án. Việc bố trí nguồn vốn cho các dự án đã được phê duyệt còn chậm, thiếu, dẫn đến nhiều dự án kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch đề ra; có dự án không thể triển khai được sau khi phê duyệt, gây lãng phí trong đầu tư.

Cũng theo kết luận thanh tra, việc tổ chức, bồi dưỡng về tiếng dân tộc thiểu số, tập huấn về công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề, dạy nghề truyền thống đạt tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu của đề án. Việc cấp phát tài liệu đã được phát hành cho các trường PTDTNT còn chậm; chưa xây dựng website và hệ thống thông tin quản lý các trường phổ thông DTNT phục vụ công tác quản lý, trao đổi thông tin ở cấp vĩ mô. Trong khi đó, việc kiềm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án trong phạm vi cả nước còn hình thức, chủ yếu là hướng dẫn, ghi nhận những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án tại địa phương. Những thiếu sót, khuyết điểm trên cho thấy Bộ GD&ĐT và Ban điều hành đề án thực hiện chưa đầy đủ nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg.

Đối với 12 tỉnh: Bắc Cạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Bình Phước, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều địa phương không thành lập ban điều hành đề án cấp tỉnh và không xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng học sinh dân tộc theo quy định. Việc thực hiện đầu tư xây dựng bổ sung cho các trường PTDTNT đạt tỷ lệ thấp 67%. Các trường PTDTNT được đầu tư xây dựng mới nhưng chưa hoàn thiện các hạng mục để đưa vào sử dụng chiếm tỷ lệ cao 38%. Vi phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản còn khá phổ biến ở các dự án đầu tư xây dựng. Công tác lập dự toán thiết kế áp sai mã hiệu, sai hệ số, sai đơn giá, tính thiếu hoặc thừa khối lượng. Tổng số tiền vi phạm được phát hiện qua thanh tra 56 dự án là trên 8,1 tỉ đồng…

Trước những thiếu sót, vi phạm trong việc triển khai thực hiện Đề án, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bình Định, Bình Phước, Nghệ An, Đắk Lắk, An Giang, Sóc Trăng rút kinh nghiệm trong việc không thành lập ban điều hành đề án cấp tỉnh và không xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng học sinh dân tộc theo quy định. UBND các tỉnh Bắc Cạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm trong việc đầu tư, xây dựng các trường PTDTNT.

Đối với Bộ GD&ĐT, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo để xảy ra các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện các hoạt động của Đề án tại các địa phương. Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chưa thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của đề án, chưa xây dựng website và chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho hệ thống trường PTDTNT.

V.Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này