Phát triển làng nghề truyền thống:

Tạo quỹ đất cho xây dựng nhà xưởng

10:40 | 07/12/2016
Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang khiến nhiều làng nghề truyền thống ở ngoại thành Hà Nội trở nên quá tải, chật chội bởi thiếu quỹ đất. Câu hỏi đặt ra là cơ hội nào để làng nghề phát triển và tìm vận hội mới?.
tao quy dat cho xay dung nha xuong Phát triển làng nghề gắn với du lịch
tao quy dat cho xay dung nha xuong Làm giàu từ nghề truyền thống

Làng nghề “khát” đất

Ở Hà Nội, làng nghề truyền thống luôn có một vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc phát triển kinh tế, xã hội, cũng như trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH – HĐH, nhiều làng quê đã khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, năng động hơn. Kéo theo đó, các làng nghề cũng nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, theo hướng quy mô hơn, phát triển hơn…Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng ấy, là hàng loạt hệ lụy tồn tại nhưng chưa có biện pháp khắc phục, hay xử lý triệt để như: Quỹ đất phát triển làng nghề thiếu, ô nhiễm làng nghề, các hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

tao quy dat cho xay dung nha xuong
Làng nghề truyền thống cần có đất để phát triển sản xuất. (Ảnh:nguồn internet)

Dạo qua một số làng nghề ngoại thành Hà Nội như, làng nghề trạm khắc Vân Hà (Đông Anh), làng nghề Mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), Da giày (Phú Xuyên), Bát Tràng (Gia Lâm), Liên Hà, Liên Trung (Đan Phượng)…không khó để bắt gặp hình ảnh đất nông nghiệp, đất công ở khu vực làng nghề bị người dân lấn chiếm, chuyển đổi sai mục đích sử dụng. Trong khi đó, mặc dù các cấp chính quyền địa phương thường xuyên ra quân xử lý, nhưng ngay sau đó, đâu lại vào đấy. Nguyên nhân vẫn là bởi nguồn quỹ đất hạn hẹp, các HTX, hộ kinh doanh tại làng nghề thiếu vốn, thiếu đất.

Ông Nguyễn Văn Trung, nghệ nhân làng nghề Mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ) cho biết, khó khăn nhất để gìn giữ và phát triển làng nghề đó chính là vốn, đầu ra cho sản phẩm. Khi hai vấn đề trên được giải quyết, thì vấn đề quỹ đất và xử lý ô nhiễm làng nghề cần được quan tâm. Bởi lẽ, nếu làng nghề phát triển mà không có quỹ đất xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất, thì tất nhiên tình trạng người dân phải sử dụng đất ruộng để làm nhà xưởng là khó tránh khỏi. “Vì thiếu quỹ đất xây dựng nhà xưởng, nên ở HTX của tôi, hầu hết mọi người đều phải tự mang sản phẩm về nhà làm. Khi mang về nhà có cái lợi là tận dụng được thời gian, tuy nhiên mọi vấn đề khác như xử lý rác thải, xử lý kỹ thuật sẽ khó khăn hơn và thiếu tập trung” – ông Trung chia sẻ.

Cùng chung sự lo lắng với ông Trung, rất nhiều người dân sống ở khu vực làng nghề đều cho rằng, quỹ đất ít, làng nghề xen kẽ khu dân cư, cơ sở sản xuất thiếu kho bãi chứa vật liệu riêng, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ…khiến làng nghề đang trở nên quá tải, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

Cần một hướng đi mới

Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, cũng như đô thị hóa mạnh mẽ, các làng nghề ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu quỹ đất, ô nhiễm làng nghề…Trước thực trạng ấy, nhằm hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm làng nghề, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn huyện, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, chính quyền địa phương đã có nhiều cách làm mới như, đưa làng nghề tách khỏi khu dân cư, tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường…Tuy nhiên, thực tế các giải pháp đó chưa được thực hiện triệt để. “Hiện nay huyện Đông Anh đã thực hiện chuyển một số làng nghề ra khỏi khu dân cư, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như tạo quỹ đất cho người dân phát triển, xây dựng xưởng sản xuất. Nhưng, chuyển làng nghề đi đâu, người dân lại chuyển tới đó sinh sống với lý do: ở lại canh giữ tài sản, khiến cho vấn đề quản lý gặp nhiều khó khăn bất cập” – ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chia sẻ.

Trước vấn đề bức thiết cần phải tìm ra cơ chế mới để phát triển làng nghề ngoại thành, cũng như việc quy hoạch làng nghề làm sao vừa để làng nghề phát triển, nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chung tay đưa giải pháp nhằm giúp làng nghề thoát ra khỏi chiếc “áo chật” về quỹ đất, về quy hoạch phát triển bền vững. Trong đó, việc UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc thi thiết kế ý tưởng quy hoạch làng nghề truyền thống Vạn Phúc (Hà Đông) và Bát Tràng (Gia Lâm), nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các chuyên gia đầu ngành, cũng như của chính người dân tại các làng nghề.

Đánh giá về cách làm, cũng như đưa ra ý kiến về vấn đề trên, bà Phạm Thị Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, chủ cơ sở lụa tơ tằm Triệu Văn Mão (làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông) cho rằng, hiện Hà Nội có trên 40 làng nghề truyền thống, việc các làng nghề thiếu quỹ đất dẫn đến gặp khó trong quá trình sản xuất, phát triển là điều dễ nhận thấy. Vì thế, việc quy hoạch một cách bài bản, khoa học tại các làng nghề cũng như gắn sự phát triển làng nghề với du lịch là việc làm cần thiết, góp phần tăng thu nhập cho người dân, ổn định phát triển kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm là điều rất cần thiết…Tuy nhiên cũng theo bà Tâm, cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các làng nghề kiểu mẫu, theo hướng khoa học nhằm giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề…để các làng nghề truyền thống thực sự phát triển bền vững.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này