Thay đổi tổ chức thi học kỳ I cho học sinh: Cố gắng giúp học sinh làm quen

09:13 | 01/12/2016
Thay vì lịch thi học kỳ I sẽ diễn ra vào các ngày 14 - 15/12/2016 với hình thức thi chung và đề thi chung (để học sinh lớp 12 tập dượt làm quen với cách thức thi mới của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sắp tới) như dự kiến trước đó gửi các trường, thì Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội (GDĐT) lại vừa có thông báo thay đổi lại phương thức tổ chức thi học kỳ I cho gần 80.000 học sinh lớp 12 của hơn 200 trường THPT trên địa bàn Thành phố theo hướng các trường sẽ phải tự ra đề, tự tổ chức kiểm tra cho học sinh trường mình.
co gang giup hoc sinh lam quen Chủ động “ứng phó” với những thay đổi
co gang giup hoc sinh lam quen Bùng nổ “lò chồng lò”
co gang giup hoc sinh lam quen Lựa chọn kỹ trung tâm luyện thi trắc nghiệm để khỏi “tiền mất tật mang”
co gang giup hoc sinh lam quen Thi trắc nghiệm: Vừa học vừa lo

Đột ngột hủy thi chung

Theo kế hoạch ban đầu của Sở GDĐT Hà Nội, việc tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2016-2017 dành cho học sinh khối 12 sẽ làm theo quy trình như thi THPT quốc gia 2017. Cụ thể, học sinh khối 12 toàn thành phố sẽ làm bài kiểm tra học kì I trong 2 ngày 14,15/12/2016 với 5 môn. Trong đó 3 bài kiểm tra độc lập gồm Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. 2 bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (gồm 3 môn Vật lý, Sinh học, Hóa học) và Khoa học xã hội (gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân).

Kết quả của bài thi được sử dụng làm điểm kiểm tra học kỳ I cho học sinh lớp 12. Với phương thức tổ chức thi chung này thì học sinh được phát số báo danh, có đề thi riêng, mỗi phòng thi có giám thị trông thi... Việc chấm thi bảo đảm theo đúng quy trình, môn ngữ văn tự luận rọc phách, các trường chấm chéo, còn lại tất cả môn thi trắc nghiệm sẽ gửi về Sở GDĐT để chấm bằng máy. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các trường lại được thông báo kế hoạch trên thay đổi, các trường phải tự chủ động việc ra đề thi cũng như tổ chức kiểm tra cho học sinh trường mình theo hướng tiếp cận với cách thi THPT quốc gia mới.

co gang giup hoc sinh lam quen
Ảnh minh họa

Sự thay đổi này khiến không ít trường ngỡ ngàng, lúng túng, còn giáo viên khối 12 không khỏi lo lắng vì việc chuẩn bị đề thi theo hướng tiệm cận với cách ra đề của Bộ GDĐT không đơn giản trong bối cảnh thời gian còn lại quá gấp gáp. Bởi không phải trường nào, tổ bộ môn nào cũng có khả năng soạn thảo được bộ ngân hàng câu hỏi phục vụ cho thi trắc nghiệm mà bảo đảm được yếu tố khách quan cũng như các kỹ thuật làm đề để có thể đánh giá đúng năng lực học sinh, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của kỳ thi THPT quốc gia.

Chưa kể, theo bà Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: “Các trường mong muốn thi chung đề để có đánh giá khách quan trên mặt bằng rộng. Kết quả này sẽ là căn cứ để gia đình, nhà trường và bản thân học sinh cùng nhìn lại quá trình dạy và học để điều chỉnh kịp thời trước khi chính thức bước vào kỳ thi quan trọng vào tháng 6 tới. Với học sinh lớp 12, thời gian chuẩn bị và ôn thi không còn nhiều, do vậy phải tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để làm quen với cách thi mới, đảm bảo đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2017”.

Học sinh không nên sa đà vào rèn luyện hình thức thi

Theo ông Chử Xuân Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh không nên quá sa đà vào việc rèn luyện hình thức thi bởi vì dù thi trắc nghiệm nhưng với cách mà đề minh họa của Bộ GD-ĐT thì học sinh cũng phải tư duy, phải nắm rất chắc kiến thức mới làm được bài. Điều đó có nghĩa hình thức tuy mới nhưng không phải vì thế mà việc dạy học trên lớp có nhiều thay đổi. Các trường của Hà Nội vẫn kết hợp cả hình thức tự luận và trắc nghiệm trong kiểm tra, đánh giá học sinh chứ không thay đổi mang tính đột ngột. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn cho học sinh nên ôn tập như thế nào cho tốt nhất, các thầy cô giáo cũng cần cảnh báo học sinh của mình cẩn trọng với các loại sách cũng như dịch vụ luyện thi trắc nghiệm chưa được kiểm chứng về chất lượng.

Chủ động giúp học sinh làm quen cách thi mới

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết, nhà trường đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi và nghiên cứu cách ra đề dựa theo đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GDĐT ngay từ đầu năm. Do vậy, việc tổ chức kiểm tra giữa kỳ cũng đã được giáo viên xây dựng theo cách thi THPT quốc gia. “Giáo viên các bộ môn khá vất vả trong việc vừa dạy học vừa tổ chức làm đề thi, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu mới nhưng như thế học sinh mới có điều kiện làm quen, cọ xát trước khi chính thức bước vào kỳ thi này vào tháng 6 tới” – bà Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ. Còn chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết ngay khi nhận được thông báo kì thi học kỳ I có thay đổi, nhà trường đã tập hợp các tổ bộ môn và tiến hành ra đề. Hiện nay, công tác chuẩn bị đề kiểm tra học kì I của nhà trường đã xong và chỉ chờ ngày triển khai kiểm tra.

Tương tự, các trường THPT khác cũng đang tích cực thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, cho học sinh đăng ký lựa chọn các tổ hợp môn lập danh sách để chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối học kỳ I. Tuy nhiên, khó khăn với khối 12 là việc các em vẫn phải đảm bảo đủ cơ số điểm với tất cả các môn thi bên cạnh việc ưu tiên các môn tự chọn như trong kỳ thi THPT quốc gia. Để giải quyết tình trạng này, nhiều trường phải tổ chức dạng đề kiểm tra có phần tự chọn dành riêng cho khối tự nhiên và khối xã hội. Bên cạnh đó, các trường cũng triển khai hình thức thi trắc nghiệm với khối lớp 10, 11 theo hướng 50% câu hỏi trắc nghiệm và 50% tự luận để các em tiếp cận dần dần với hình thức trắc nghiệm khi hình thức thi này dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì trong kỳ thi THPT quốc gia các năm sau.

Hữu Thành – Bảo Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này