Để người lao động được hưởng lợi hơn

11:12 | 08/11/2016
Thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)  nhằm đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DNNN là một chủ trương đúng của Thành phố Hà Nội, song điều đáng quan tâm là làm thế nào để người lao động sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chủ trương này.
de nguoi lao dong duoc huong loi hon Cần làm rõ những thắc mắc của người lao động
de nguoi lao dong duoc huong loi hon Hậu cổ phần hóa RECO: Người lao động yên tâm công tác
de nguoi lao dong duoc huong loi hon Cổ phần hóa thành công Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn

Theo chương trình đã được UBNDTP Hà Nội phê duyệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố sẽ tiếp tục thoái vốn 96 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - đây là một chủ trương đúng của Thành phố nhằm đẩy nhanh tốc độ CPH các DNNN theo đúng như chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề mà người lao động quan tâm là làm thế nào để sau khi CPH xong, người lao động có thu nhập cao hơn, công ăn việc làm ổn định hơn.

Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, thực tế thời gian qua trên phạm vi cả nước, việc sắp xếp, CPH DNNN hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, đã thế Luật về CPH không có mà chỉ dừng lại các nghị định hướng dẫn của Chính phủ, nên việc thực hiện khá khó khăn. Trong khi đó, chuyển mô hình sở hữu rất phức tạp, liên quan đến quyền lợi kinh tế mỗi bên. Ngay như Hà Nội vẫn vừa làm, vừa hoàn thiện mô hình quản lý phần vốn nhà nước.

de nguoi lao dong duoc huong loi hon
Hapro là một trong những đơn vị tiên phong trong việc CPH các công ty con.

Là một doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực thương mại của Thủ đô, tại buổi tọa đàm mới đây về chủ đề trên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng cho hay, qua kinh nghiệm 4 công ty con thuộc tổng công ty (Công ty Cổ phần Thủy Tạ, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội, Cổ phần Gốm Chu Đậu) thực hiện CPH, thì muốn đạt hiệu quả kinh doanh cao, người lao động có thu nhập tốt hơn, Thành phố nên thoái 100% phần vốn Nhà nước ngay từ đầu. Không nên thoái vốn theo từng giai đoạn, vì làm như thế cán bộ, người lao động tâm tư, bán lại không được giá. Ông Thắng đưa ra dẫn chứng: Ví doanh nghiệp chuẩn bị CPH có giá trị vốn 100 tỉ đồng, nếu Nhà nước, cụ thể là Thành phố và các cấp, ngành liên quan cho thoái hết vốn thì nhà đầu tư sẽ mua với giá cao khoảng gấp hai lần giá trị cổ phiếu. Đơn giản, vì nhà đầu tư kiểm soát hoàn toàn về chiến lược, lợi nhuận kinh doanh, vì thế họ mua giá cao. Song, nếu nhà nước chỉ thoái vốn 49% hoặc 35%, thì nhà đầu tư sẽ mua ở mức rất rẻ là 1,2 lần giá trị cổ phiếu bởi có chung sự kiểm soát. Như vậy, nếu bán hết 100% vốn thì Nhà nước có lợi hơn, thu ngân sách nhiều hơn.

Ngày 12/9/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Nhà nước chỉ tham gia nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp theo quy định Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ), đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ thì bán hết, tập trung vào những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, lựa chọn thời điểm thích hợp bán cổ phần để có hiệu quả. Đồng thời, TP sẽ thực hiện CPH 96 DNNN với 5 mục tiêu: Ổn định, doanh thu tăng, bảo đảm đời sống cho người lao động, tổ chức chính trị - xã hội trong DN không thay đổi và vẫn giữ được vai trò của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó một số ý kiến lại cho rằng vì chưa có Luật CPH, mà CPH lần này đa số là các DN lớn, nên Thành phố phải cẩn trọng. Thoái 100% vốn Nhà nước là cách làm hiệu quả, song mới thực hiện ở những DN nhỏ, còn DN lớn thì cần phải có lộ trình trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và người lao động.

Cùng chung quan điểm này, đại diện Sở Tài chính cho rằng, những DNNN dễ thực hiện CPH thì đã làm giai đoạn trước. Còn từ nay đến năm 2020 đa số là những DNNN lớn, phức tạp, nhiều lao động, nên bước đi CPH cần phải thận trọng hơn. Do đó, vấn đề đặt ra, Thành phố cần giao cho các ngành chức năng đánh giá rõ ràng, hiệu quả kinh tế từng mục sau CPH, đồng thời cần tìm mô hình quản lý vốn nhà nước sau CPH, xác định được đơn vị quản lý rồi mới tiến hành đại trà. Đại diện Sở Tài chính cho hay, cơ chế quản lý vốn, tài chính ở DN hậu CPH còn bất cập, ngành Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính vậy mà chỉ có 3 ngành: Cục Thống kê, Cục Thuế và Sở Kế hoạch - Đầu tư được nhận báo cáo tài chính của DNNN sau CPH thì quản lý thế nào? Lợi nhuận, tiền lương, thu nhập và cổ tức của người lao động liệu có được minh bạch không. Vì vậy, mấu chốt đặt ra, CPH là để thúc đẩy sản xuất- kinh doanh tốt hơn, và từ hiệu quả sản xuất- kinh doanh người lao động phải hưởng được thành quả tốt hơn do chính họ làm ra mới là điều quan trọng.

Q.Hạnh- H.Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này