Thời bao cấp qua ký ức thế hệ 6x,7x

14:13 | 27/09/2016
Chuyện về thời kỳ bao cấp tưởng như đã chìm vào quên lãng trong thời hiện đại, nhưng lại đang sống dậy mạnh mẽ bởi những người hoài niệm. 
thoi bao cap qua ky uc the he 6x7x Nhớ “thời bao cấp”ở Hà Nội
thoi bao cap qua ky uc the he 6x7x Nhớ về một thời bao cấp đầy bi, hài

Hà Nội thời bao cấp không có nhiều nhà cao tầng, nhưng cảnh quan sạch đẹp, không xô bồ như bây giờ, con người sống với nhau chan hoà, thân thiện. Giờ, chính những người ở thế hệ 6x, 7x lại rất mong bây giờ xã hội được sống như thời ấy.

thoi bao cap qua ky uc the he 6x7x
Cảnh xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp (nguồn internet).

Thời bao cấp là tên gọi được sử dụng tại Việt Nam để chỉ một giai đoạn từ năm 1975 - 1986. Thời đó, hàng hóa được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, hàng hóa không được mua bán tự do trên thị trường, không được phép vận chuyển hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác. Chế độ hộ khẩu được thiết lập để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Đây được coi như một giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 20.

Chính vì vậy, hình ảnh ấn tượng nhất với mọi người là Sổ mua lương thực (hay còn gọi là Sổ gạo) và tem, phiếu mua lương thực, thực phẩm. Mọi người phải đi từ sáng sớm chen chúc xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm ở những cửa hàng do Nhà nước quản lý. Trẻ con thường đặt viên gạch giữ chỗ để đỡ phải đứng xếp hàng.

Chị Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1972 tại Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội), cũng là một người sống trong thời kỳ ấy. Chị cũng đã từng đi xếp hàng đong gạo, dùng tem phiếu mua thịt nên ký ức của chị nhớ rất nhiều đến cuộc sống thời bao cấp. Chị phải dậy từ 3 giờ sáng để ra cửa hàng gạo xếp hàng mua gạo rồi lại về máy nước công cộng xếp hàng lấy từng xô nước. Sau giờ học, lại tất tả xếp hàng mua dầu hỏa, nước mắm.

Trưa nào, chị cũng vác rổ ra hàng rào hái cây cúc tần về nấu canh. Vị cúc tần đăng đắng khó ăn, nhưng là món phải ăn hằng ngày. Rồi cơm độn khoai cũng ngon lắm. “Bây giờ mà được ăn lại những món ăn ấy thì chắc phải vừa chảy nước mắt vừa ăn vì không thể nghĩ rằng mình đã đi qua một thời khốn khó như vậy” - chị Hồng tâm sự.

Hồi bao cấp, chiếc radio là phương tiện giải trí duy nhất và có giá trị lớn với đa số các gia đình ở Việt Nam. Vì thế, nên đến giờ, nhiều người vẫn nhớ như in giờ phát các chương trình như 6h30 thứ Bảy và Chủ nhật là có chương trình “Chuyện kể ở đại đội”, 19h thứ Bảy là chương trình “Kể chuyện cảnh giác’, 16h30 hằng ngày là chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền”, 22h là “Đọc chuyện đêm khuya” hoặc “Tiếng thơ”…

Ngày đó, trẻ con thật hồn nhiên. Cuộc sống nghèo khó, nên trẻ em tự sáng tạo ra đồ chơi cho mình. Cái diều, cái đèn soi bằng dầu hỏa, vòng sắt, con quay, mài bi đá, súng cao su, đủ trò rất vui. Rằm Trung thu, có bạn được mẹ làm bông hoa sen bằng quả bưởi để đi góp cỗ cùng các bạn trong xóm, để rồi thật tự hào khi được chúng bạn khen mẹ mình khéo tay. Đèn ông sao chơi hết năm này qua năm khác, hết tết Trung thu, bố lại lấy ni lông bọc vào rồi cất lên gác xép. Trung thu năm sau lại mang ra chơi tiếp, vẫn mới như thường.

Tết là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm. Bố mẹ luôn chắt chiu để các con có bộ quần áo mới. Rục rịch mua lá dong, gạo nếp, đỗ xanh và thịt để chuẩn bị nồi bánh chưng. Sáng mùng 1 Tết, thò cổ ra ngoài cửa hít hà cái mùi của bánh pháo mọi nhà vừa đốt và không khí lành lạnh của năm mới, thấy cuộc sống thật đáng yêu. Được xúng xính quần áo mới và đi chúc Tết nhà các bác, cô chú, nhận chút tiền mừng tuổi, rồi cất thật kỹ.

Chú Nguyễn Tiến Dũng (người thuộc thế hệ 6x, nhà ở phố Hàng Bông) hoài niệm: “Tôi may mắn khi được sinh ra và lớn lên trên khu phố cổ Hà Nội. Hà Nội khi đó thật yên bình, đường phố vắng lặng, hai hàng cây xanh rợp bóng mát và có rất nhiều kỷ niệm đẹp”.

Nhớ mãi cái ngày chỉ đủ tiền mua một que kem, rủ đứa bạn đến bờ hồ mua que kem ăn chung rồi về. Học cấp 2 thì đạp xe chơi khắp nơi, mùa hè thì đến đường Trần Phú nhặt sấu chín rụng. Ngon nhất thời đó là trà nóng với kẹo lạc ăn vào chiều đông, đạp xe dưới trời mưa rét thèm mà không dám ăn, hai thằng sinh viên chia nhau cái kẹo. Giờ thì người lớn sợ trà bẩn không dám uống, trẻ con sợ kẹo mốc không dám ăn...

“Ký ức về thời bao cấp mà tôi nhớ nhất là về việc xem vô tuyến. Những năm 78 – 79, cả xóm tôi ở chỉ có đúng 2 nhà có tivi đen trắng. Tôi nhớ không nhầm thì thời đó cả tuần chỉ chiếu vô tuyến đúng 2 tối thứ Tư và Chủ nhật. Tuổi thơ thế hệ 6x, 7x chúng tôi gắn liền với bộ phim Bungari là "Trên từng cây số" với 2 nhân vật chính là Dianốp và Bômbốp…” - chú Dũng kể.

Đúng là đến các tối đó thì cả xóm vui như ngày hội. Nhà bác hàng xóm lúc nào cũng chật ních người, trong căn phòng 10m2 có cái tivi để ở vị trí thật trang trọng. Mọi người từ lớn đến bé, ngồi trật tự, chăm chú như nuốt từng lời thoại của nhân vật trong bộ phim hay vở kịch được trình chiếu. Thật lạ là bác hàng xóm không bao giờ cảm thấy phiền hà gì khi nhà mình tối nào cũng chật ních như vậy. Tình người thời đó thật đáng ngưỡng mộ.

Đã có một thời, người Hà Nội sống như thế, để giờ đây khi đầu đã hai thứ tóc, nước mắt lại rơi khi hồi nhớ những ngày tháng đói khổ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng rồi lại mỉm cười vì sự chân thành,vì tình thương và sự tử tế giữa người với người khi ấy.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này