Diện mạo mới nơi “Xã Đỏ” anh hùng

21:48 | 01/09/2016
Từ những ngày đầu tiền khởi nghĩa cho đến các thời kỳ kháng chiến, thời kỳ xây dựng đất nước, xã Nà Sác (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) được biết đến là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào cách mạng, khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn thí điểm và trở thành “Xã Việt Minh hoàn toàn”.
tin nhap 20160901103400 Bước tiếp truyền thống Anh hùng của cha ông
tin nhap 20160901103400 Nhịp sống mới trên đất Đông Anh anh hùng

Với truyền thống cách mạng đầy tự hào, sự sát sao của Đảng bộ và chính quyền địa phương, cùng tiềm năng của một xã cửa khẩu vùng biên, đã trở thành động lực quan trọng giúp xã Nà Sác từng ngày thay da đổi thịt.

Nà Sác tự hào là cái nôi cách mạng

“Xã Đỏ” Nà Sác từ lâu đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng cho sự đoàn kết, tinh thần chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, đặc biệt là ý chí và niềm tin son sắt của người dân nơi đây khi một lòng, một dạ hướng theo Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ đạo của Bác Hồ. Với truyền thống vẻ vang và đầy tự hào ấy, xã Nà Sác đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng thời, xã vinh dự đón nhận Bằng Công nhận Di tích Lịch sử Cách mạng (làng Lũng Loỏng, xã Nà Sác) trong dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hà Quảng, Cao Bằng (20.6.1931 – 20.6.2016).

tin nhap 20160901103400
Cây thuốc lá - một trong những loại cây trồng mũi nhọn giúp đời sống người dân xã Nà Sác được nâng lên.

Đặt chân đến xã Nà Sác trong những ngày tháng lịch sử này, chúng tôi mới cảm nhận được tinh thần dân tộc, cũng như niềm tự hào về truyền thống cách mạng của người dân nơi đây. Theo sử liệu, “Xã Đỏ” Nà Sác không chỉ là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hà Quảng, mà còn là nơi đầu tiên Bác Hồ đặt chân trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (ngày 28.1.1941). Ngày đầu trở về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở huyện Hà Quảng, đặc biệt là tại xã Nà Sác và Trường Hà. Khi đó, Bác đã chỉ đạo xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh và Nà Sác là xã được chọn thí điểm thực hiện. Chỉ sau một thời gian thí điểm, Nà Sác đã trở thành “xã Việt Minh hoàn toàn”, đồng thời chứng minh cho sự thành công của Mặt Trận Việt Minh ở châu Hà Quảng nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung, thúc đẩy quá trình xây dựng Mặt trận Việt Minh phát triển rộng khắp.

Với sự chỉ đạo sát sao của Bác Hồ, Chi bộ Đảng, Ban Việt Minh xã Nà Sác đã được thành lập cuối năm 1941. Đến năm 1942, xã Nà Sác thành lập 4 trung đội tự vệ, trong đó có 2 trung đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cán bộ. Điển hình trong phong trào Việt Minh phát triển vững mạnh trở thành các “làng hoàn toàn” là làng Cốc Sâu, làng Lũng Loỏng, sau này được Chính phủ tặng danh hiệu “Làng có công với nước”. Tại Lũng Loỏng, quần chúng nhân dân đã tổ chức xếp đá để rào làng phòng vệ chiến đấu, gọi là “làng chiến đấu” được cắt cử canh gác cẩn mật, đảm bảo an toàn cho cán bộ và cho nhân dân.

Vào tháng 10.1944, một sự kiện lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng đã diễn ra tại làng Lũng Cát, xã Nà Sác (làng sát biên giới Việt - Trung) khi nơi đây trở thành địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đến ở và làm việc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh đang công tác chỉ đạo phong trào cách mạng Cao Bằng ở vùng núi Lam Sơn (Hòa An) đã đến báo cáo tình hình và xin chỉ thị Bác - sau đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng sắp nổ ra; đồng thời ra Chỉ thị tổ chức thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam...Các địa danh Lũng Cát, Mã Lịp, Lũng Bó Nà Sác (Hà Quảng) và Lũng Ý (Trung Quốc) là nơi ghi dấu những hoạt động của lãnh tụ Hồ Chí Minh ở thời gian cuối năm 1944, đầu năm 1945.

Đổi thay trên quê hương anh hùng

Về Nà Sác hôm nay, bên cạnh những dấu tích lịch sử hào hùng vẫn như còn nguyên vẹn, “Xã Đỏ” như đang “khoác” trên mình chiếc áo mới. Nhìn những con đường nhựa, đường bê-tông ngoằn nghoèo chạy dài tít tắp đến tận chân núi, những ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, đến các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh nằm xen kẽ giữa núi rừng trùng điệp…mới hiểu được tinh thần vượt khó vươn lên của người dân, cũng như chính quyền Đảng bộ nơi đây, trong nỗ lực giúp người dân vươn lên xây dựng kinh tế vững mạnh.

tin nhap 20160901103400

Xã Nà Sác, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã “khoác” trên mình diện mạo mới.

Theo chia sẻ của bà Nghiêm Thị Thủy – Bí Thư Đảng ủy xã, hiện tại, “Xã Đỏ” có tổng cộng 355 hộ với 1.445 nhân khẩu, với 4 dân tộc sinh sống là Tày, Nùng, Kinh, Mông. Trong những năm qua, trên cơ sở phát huy truyền thống cách mạng của xã, cũng như việc xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền đã tập trung chỉ đạo toàn xã có bước đi phù hợp và phát huy lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Xã Nà Sác đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng thời, xã vinh dự đón nhận Bằng Công nhận Di tích Lịch sử Cách mạng (làng Lũng Loỏng, xã Nà Sác)

Ngoài các cây lương thực truyền thống, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Đảng bộ xã đã vận động nhân dân phát triển cây thuốc lá, đây được coi là cây mũi nhọn giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Năm 2016, toàn xã có 41,3 ha diện tích cây thuốc lá, trong đó, phát triển 5 ha cây thuốc lá chất lượng cao, năng suất đạt trên 22 tạ/ha; trừ chi phí, nhiều hộ có thu nhập 40 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mô hình trồng dâu, nuôi tằm được triển khai từ năm 2011 đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xã đã mở rộng trồng mới 2 ha dâu tằm, nâng tổng số diện tích lên 9 ha. Với trên 50 hộ tham gia, mỗi năm nuôi từ 7 - 8 lứa, bình quân mỗi lứa cho thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng. Sản xuất hàng hóa phát triển đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Nếu như năm 2011, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 36 triệu đồng/ha, đến năm 2016 đạt 40,5 triệu đồng/ha (58 triệu đồng/ha ở 4 xóm vùng đồng, 23,5 triệu đồng/ha đối với 4 xóm vùng cao)…

Phát huy truyền thống cách mạng, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, nhân dân xã Nà Sác đã hiến trên 4.000m2 đất, góp công sức, vật liệu bê-tông hóa 5,6 km đường liên xóm. Gần 90% số đường liên xóm trong xã được bê-tông hóa; 100% hộ chăn nuôi gia súc không để trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở. Xã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2016, xã tiếp tục bê-tông hóa đường vào xóm Thôm Tẩu và đường nội đồng, phấn đấu hoàn thành thêm tiêu chí giao thông. Văn hóa - xã hội không ngừng phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt. Trẻ em trong độ tuổi đến trường đầy đủ. Trong những năm gần đây, mỗi năm, xã Nà Sác có 5 - 7 học sinh thi đỗ vào các trường đại học. Năm 2015, xã có 279 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 5 xóm đạt “Làng văn hóa”.

Cùng với nỗ lực của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Trong 5 năm liên tục (2010 - 2015), Đảng bộ xã Nà Sác đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, trong đó có 4 năm đạt “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”. Tự hào với truyền thống của một vùng quê cách mạng, Nà Sác hôm nay đang từng bước đổi thay trên con đường xây dựng nông thôn mới. Ở đó, những người con của quê hương cách mạng luôn giữ trọn niềm tin sắt son vào Đảng, Nhà nước và ra sức phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này