Chếnh choáng tìm về những không gian âm nhạc xưa

10:48 | 23/08/2016
Hà Nội với những mô hình vừa kết hợp kinh doanh cà phê, vừa biểu diễn âm nhạc đã trở nên quen thuộc từ lâu. Người ta có thể chơi nhiều thể loại nhạc sôi nổi, náo nhiệt ở những quán cà phê “sang chảnh”. Nhưng khi cuộc sống càng bộn bề, tấp nập thì người ta càng hoài niệm về những không gian cà phê nhạc sống của Hà Nội xưa.
tin nhap 20160823094637 Làng thuốc nam giữa lòng Hà Nội xưa
tin nhap 20160823094637 Đường Lâm, còn đó nét xưa

Cách đây khoảng 20 năm, những người yêu nhạc không lạ gì với quán cà phê Nhạc - Tranh, ngõ 61 Thái Thịnh. Tới đây, có thể vừa nhâm nhi tách cà phê thơm phức, vừa được nghe nhạc, đặc biệt là nhạc Beatles và nhạc Trịnh. Những ai từng là khách của quán Nhạc - Tranh, hẳn không quên được những buổi trình tấu guitar đặc sắc với dòng nhạc cổ điển da diết, trữ tình.

tin nhap 20160823094637
Trong một buổi biểu diễn ở Tranquil - số 5 Nguyễn Quang Bích.

Vì thế, những năm 2000, rất đông sinh viên và giới công chức đã chọn quán như một địa chỉ ruột của mình. Những buổi tối nhâm nhi tách cà phê và thả hồn theo những giai điệu guitar, violon dưới ánh đèn vàng vọt trong căn nhà cấp 4 ở khu tập thể Thái Thịnh. Người ta không thể quên được những tay guitar lão luyện như Văn Vượng, Quang Tôn, Hải Thoại, nhóm nghệ sĩ Thất tinh Tây ban cầm xưa của Hà Thành. Nhưng vì nhiều lý do, quán cà phê nhạc sống nổi tiếng của Hà Nội xưa đã phải đóng cửa từ nhiều năm trước.

Hiện nay, có khoảng 10 quán tái hiện lại phong cách của Nhạc - Tranh, nhưng không phải quán nào cũng giữ được chất như thế, và Tranquil số 5 Nguyễn Quang Bích đã làm được điều đó.

Dòng nhạc thị trường đã khiến gu âm nhạc của giới trẻ trở nên dễ dãi. Những bài hát chỉ đáp ứng được thị hiếu của đám đông ở một thời điểm nào đó rồi lại chìm vào lãng quên như chưa từng xuất hiện. Nhưng đến với Tranquil, chỉ có những tác phẩm đã trở thành bất hủ của thế giới của các ban nhạc Beatles, Velvet Underground, Bee Gees, Pink Floyd… ở những năm 60, 70 của thế kỷ XX; hay ở Việt Nam như nhạc của Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Thanh Tùng, Phú Quang…

Để có thể khơi lại và gìn giữ những thứ âm nhạc đích thực, đòi hỏi thẩm mỹ âm nhạc cao không phải là điều đơn giản. Bởi giới trẻ không mấy mặn mà với thể loại nhạc mà người ta phải suy tư, ngẫm nghĩ, nghe nó một cách trân trọng. Ấy vậy mà, quán cà phê Tranquil này đã làm được điều đó. Những buổi hòa tấu guitar, violon cùng với giai điệu bất hủ, thu hút rất nhiều những bạn trẻ 8x, 9x và thậm chí 6x,7x là những khách quen của Nhạc - Tranh khi xưa.

Anh Vũ Hoàng Sơn (chủ nhân của Nhạc - Tranh) tâm sự: “Nhạc - Tranh đã phải tạm dừng từ tháng 3.2009 vì nhiều lý khách quan. Tới nay, nhiều quán cà phê nương theo mô hình đó tiếp tục mở ra, nhưng đều đi lệch đường. Tình cờ đến Tranquil, lặng đứng trong căn phòng nhỏ, với ánh đèn sân khấu bé xinh, thấy nao nao nhớ lại những năm tháng xưa. Điều đáng mừng, guitarist Quang Trung - một mảnh của Nhạc - Tranh xưa đã nhận lời chơi trong không gian của Tranquil, rất tuyệt vời. Tôi đã như được gặp lại Nhạc - Tranh xưa của tôi ở đó”.

Nếu như Tranquil là sự kết hợp của một quán cà phê có không gian khá hiện đại với những buổi hòa tấu cổ điển, thì cà phê Cuối Ngõ - ngõ 68 Cầu Giấy - lại là không gian cũ kỹ, tĩnh lặng treo rất nhiều tranh của Trịnh Công Sơn. Điểm chung của 2 quán này là thường xuyên tổ chức những buổi nhạc sống. Đến với Cuối Ngõ, bạn sẽ được thưởng thức những bài nhạc Trịnh đã đi cùng năm tháng. Khách tới với quán, chủ yếu là sinh viên, vì giá cả khá dễ chịu, chỉ từ 20.000 đồng cho một món đồ uống.

Còn cà phê Nhà Sàn ở ngõ 642 đường Bưởi vào tối thứ 7 hằng tuần, nhóm Ta du ca thường cất lên những bản trữ tình của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy với những “Niệm khúc cuối”, “Mùa đông của anh”, “Khúc Thụy Du”, “Bây giờ tháng mấy”…Không khí u mịch, cũ kỹ của nhà sàn kết hợp với cách bài trí vintage thu hút một cách rất riêng, đầy chất nghệ. Đến đây, như bước vào thế giới của riêng ta, chỉ lặng yên nghe nhạc mà không mảy may nghĩ bất cứ điều gì.

Nghe nhạc trong những không gian xưa cũ của Hà Nội, những bản tình ca cất lên da diết: “Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ/ Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương/Và em có nghe khi mùa thu tới/Mang ái ân mang tình yêu tới/ Em có nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé…”, ta dễ say trong nhạc, trong mùa thu và chếnh choáng trong hoài niệm…

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này