Ấm lòng phiên chợ Bưởi

07:36 | 16/07/2016
Chợ Bưởi ngày nay đã thành một trung tâm mua sắm lớn, với đủ loại hàng hóa như ở bất kỳ trung tâm thương mại nào. Mặc dù dấu vết phiên chợ xưa giờ chỉ còn ở mức khiêm nhường, nhưng cũng đủ để người mua, kẻ bán thấy ấm lòng mỗi phiên chợ họp.
am long phien cho buoi Lần đầu tổ chức phiên chợ nông sản an toàn tại Hà Nội
am long phien cho buoi Chợ cổ hồn quê

Không ai biết chính xác chợ Bưởi có từ bao giờ, chỉ biết nó được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Chợ Bưởi xưa nằm ở vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, là một nơi giao thương trên bến dưới thuyền sầm uất. Chợ lại nằm kề vòng tường thành bao quanh kinh đô Thăng Long, nên dân cư tập trung qua lại khá đông đúc.

am long phien cho buoi
Đến chợ phiên ở Bưởi, khách hàng thường tìm mua chó, mèo...

Tương truyền rằng, xưa kia bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta vớt lên bán và dần dần có thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ nằm trong khu vực này cũng được gọi luôn là chợ Bưởi.

Đều đặn họp phiên vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch hằng tháng, bao lâu nay, người Hà Nội đến phiên chợ Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) không như đi chợ bình thường, mà thường tìm đến đây để mua những thứ giống cây tốt, những con giống vật nuôi đẹp và hơn hết là để chơi chợ.

Chợ Bưởi xưa là nơi trao đổi các sản vật làng nghề của những vùng lân cận tạo nên đặc sản của chợ Bưởi như: Dưa La, húng Láng, tương Bần, lụa là, giấy dó… Chợ Bưởi xưa còn đặc biệt với phiên chợ 29 Tết - phiên chợ cuối cùng của năm. Người dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu, bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết. Một trong những mặt hàng đặc sắc ở chợ Bưởi là các loại cây giống của các làng trồng hoa, cây cảnh cổ truyền ven hồ Tây như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân hoặc các xã vùng rau, hoa như Tây Tựu, Phú Thượng… đem về vào các buổi chợ phiên.

Ngày nay, chợ Bưởi đã xây dựng khang trang, thuộc sự quản lý của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Nhưng ở nơi này, các phiên chợ vẫn được duy trì bằng cách quy hoạch một khu vực riêng để người dân có cơ hội mua bán cây, con giống.

Dốc chợ đi lên đường Hoàng Hoa Thám là cả một dãy xanh mướt các loại cây cảnh được bày bán, dưới hàng cây cảnh là đủ các lồng to, lồng nhỏ, với đủ loại chó, mèo, chim bồ câu, gà... Tiếng mèo, chó, tiếng gà, tiếng chim... làm xôn xao cả một vùng, đó cũng là những thứ âm thanh đặc trưng, thú vị của mỗi phiên chợ Bưởi hôm nay.

Không chỉ bán cây giống mà ở đây còn bán cả vật nuôi, con giống. Giá vật nuôi trong nhà như chó, mèo, thỏ có nhiều mức khác nhau. Cái “duyên ngầm” ở chợ Bưởi là thay vì người bán định giá thì nhiều khi tại chợ phiên dốc Bưởi, người mua định giá con vật, nếu hợp ý hai bên thì mua bán, trao đổi. Vật nuôi, cây cảnh ở đây không chỉ của nhà mang đem ra chợ bán, mà còn có cả các sản phẩm của những người dân vùng khác đem tới.

Phải chăng, vì yêu cái nét dân dã đặc trưng của phiên chợ nơi vùng Bưởi, mà nhiều người trong vùng cứ đến ngày chợ phiên họp, họ lại tìm đến đây, tạo nên một nét sinh hoạt rất riêng trong lòng Hà Nội phố.

Khánh linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này