Gia tăng các vụ bạo hành trẻ tại các nhà trẻ: Không thể đổ do áp lực

14:43 | 02/06/2016
“Trẻ em như búp trên cành”, nên rất cần được nâng niu yêu thương, chăm sóc của gia đình, cộng đồng, giáo viên. Thế nhưng, chỉ với những việc như các cháu ăn chậm, tè dầm, không thuộc bài, nói chuyện trong lớp cũng bị  giáo viên phạt đến mức khó tưởng tượng như báo chí đã từng phanh phui, là những sự thực đau lòng. Vậy đâu là gốc của vấn đề?
khong the do do ap luc Nạn bạo hành trẻ em: Cần tăng chế tài xử lý
khong the do do ap luc Làm rõ hơn các biện pháp bảo vệ trẻ em

Bạo lực vì... áp lực công việc

Mấy ngày gần đây, dư luận lại dậy sóng bức xúc trước vụ việc bé N.N.P (chưa đầy một tuổi rưỡi) bị bầm tím cả bên mặt sau buổi học ngày 26. 5 tại cơ sở mầm non tư thục Ánh Sao (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội). Mặc dù cô giáo đứng lớp cho biết là do bé bị ngã ghế, nhưng nhìn vết bầm tím trên gương mặt con cùng những biểu hiện sợ sệt, quấy khóc của con, gia đình và dư luận cho rằng nó giống vết tát đánh hơn… Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng quận Hà Đông vào cuộc điều tra.

khong the do do ap luc
Nâng cao chất lượng, đạo đức giáo viên mầm non là việc làm cấp thiết.

Trước đó, một sự việc tương tự cũng xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Ánh Dương (quận Hà Đông, Hà Nội), gia đình cháu P.G.Đ cũng đã công khai đoạn video cô giáo lột quần áo, gí đầu xuống đất vì “tội” tè dầm trong khi ngủ trưa. Hay chỉ vì tội ăn chậm, mà con chị Trần Ngọc Bích bị cô giáo của Trường mầm non  Nụ Cười Xinh, có địa chỉ trên đường Lê Đức Thọ  (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lắc, đánh, tát vào mặt và tay bé liên tục, khiến gia đình phải trình báo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra,… Đáng thương hơn, trường hợp bé trai 15 tháng tuổi tử vong tại cơ sở mầm non tư thục Sao Tuổi Thơ (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) do sợi dây chuyền đeo cổ móc vào tay nắm tủ đựng đồ cá nhân gây ngạt thở cách đây chưa lâu là một ví dụ đau lòng cho những nguy cơ tiềm ẩn về sự không an toàn cho trẻ khi gửi ở các cơ sở mầm non tư thục, đặc biệt là cơ sở không phép.

Giải thích cho các hành vi bạo lực đối với trẻ mầm non, đa phần “người trong cuộc” là các giáo viên đứng lớp giải thích do: áp lực công việc lớn khi thời gian làm việc nhiều, một cô phải  trông quá nhiều trẻ, trẻ quá quấy (như khóc nhiều, biếng ăn… ) khiến các cô phải tìm cách “dọa”  trẻ… Còn đối với các chủ cơ sở mầm non thì  đổ lỗi cho việc giáo viên mới nhận, giáo viên trẻ nên chưa có kinh nghiệm…Song theo các nhà quản lý giáo dục, nguyên nhân của vấn đề chính là do các chủ cơ sở mầm non chạy theo lợi nhuận nên không đầu tư nhiều về cơ sở vật chất cũng như tuyển chọn đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng đào tạo nghiệp vụ cho giáo viên mầm non cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập.

Cần siết lại việc cấp phép cơ sở và đào tạo giáo viên

Nói về những vụ bạo hành trẻ mầm non bị phát hiện ngày càng nhiều thời gian gần đây, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, do giáo viên mầm non bị quá nhiều áp lực về thời gian, cường độ chăm sóc trẻ, nên dẫn đến lúng túng và làm bừa. Đặc biệt, ở các nhóm lớp tư thục, giáo viên thay đổi liên tục, không qua đào tạo đúng chuyên môn, không được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, trong khi chủ nhóm chạy theo lợi nhuận, trả lương giáo viên thấp, khiến họ không có động lực làm việc.

Còn theo bà Lê Thị Thanh Nga - Khoa Giáo dục mầm non (Trường CĐ Sư phạm Trung ương) khẳng định: Khâu tuyển chọn giáo viên của các cơ sở mầm non tư thục chưa đảm bảo. Bởi phần lớn những vụ việc đều xảy ra ở các cơ sở mầm non ngoài công lập, chứ với các cơ sở công lập, việc tuyển chọn giáo viên khắt khe, giáo viên được đào tạo bài bản và có nghiệp vụ kỹ năng thì không bao giờ được phép chọn cách bạo hành để giải quyết tình huống. “Dưới góc độ giáo dục, tôi cho rằng, cần phải có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn những hành động bạo hành tương tự. Vấn đề là phải trang bị kỹ năng, kiến thức cho giáo viên và cán bộ quản lý (vì phần lớn chủ các cơ sở mầm non tư thục không có kiến thức nghiệp vụ hay được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm mầm non). Đào tạo giáo viên mầm non phải chính quy, không được làm ngang, tắt. Hoạt động trong lĩnh vực này, giáo viên cần hiểu rõ chuẩn mực, nhận thức được vai trò của giáo dục mầm non, có lương tâm nghề nghiệp” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Mặc dù, Bộ GDĐT đã có Quyết định số 02/2008 (ngày 22.1. 2008) ban hành Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ở 3 lĩnh vực cơ bản về: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiến thức và kỹ năng sư phạm và mỗi lĩnh vực lại có 5 yêu cầu cụ thể, song theo các chuyên gia, nếu không siết chặt quản lý trong việc cấp phép các cơ sở mầm non tư thục (giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở) cũng như nhìn thẳng vào những bất cập về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, chế độ lương của đội ngũ giáo viên thì trẻ mầm non sẽ còn chịu nhiều hậu quả và số vụ bạo hành trẻ mầm non bị bạo hành sẽ vẫn tái diễn.

Hữu Thành – Bảo Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này