Ngành Y tế Thủ đô:

Làm tốt công tác tham mưu để đảm bảo an toàn thực phẩm

13:16 | 27/05/2016
Hà Nội là trái tim của cả nước. Vì vậy, công tác an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe người dân mà còn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
lam tot cong tac tham muu de dam bao an toan thuc pham Cục ATTP quá ưu ái cho Công ty Suntory Pepsico?
lam tot cong tac tham muu de dam bao an toan thuc pham Xúc xích của Viet foods bị thu giữ không chứa chất gây ung thư

Chủ động xây dựng chương trình, đề án bảo đảm ATTP

Thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc đảm bảo công tác ATTP năm 2016, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, từ tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng VSATTP, hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đến việc đánh giá Đề án “Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015“...

lam tot cong tac tham muu de dam bao an toan thuc pham
Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại phố Núi Trúc, quận Ba Đình.

Cạnh đó, Sở Y tế đã đóng vai trò tích cực cùng với liên ngành triển khai thí điểm công tác ATTP vào những tuyến phố cụ thể như: Duy trì mô hình điểm thức ăn đường phố tại tuyến phố Núi Trúc (quận Ba Đình) và phường Trung Liệt (quận Đống Đa)... Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai công tác ATTP tại 30 tuyến phố văn minh và hưởng ứng “Năm Trật tự văn minh đô thị”.

Sau khi thí điểm tại những tuyến phố và thu được những kết quả khả quan, thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm ATTP theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg ngày 9.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh“.

Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị, đã chỉ rõ: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội.

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, nâng cao tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi,… cần thiết phải phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có giải pháp triển khai mạnh mẽ các biện pháp đồng bộ kiểm soát vệ sinh ATTP.

Cụ thể, Hà Nội đã triển khai kiểm tra tiến độ hoạt động thí điểm thanh tra chuyên ngành 5 quận, huyện: Đống Đa, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thường Tín (10 xã phường) quý I năm 2016 cơ bản tiến độ...

Đồng thời tích cực tuyên truyền về ATTP, đặc biệt là tuyên truyền vào những thời điểm có nhiều hoạt động, diễn biến phức tạp trong những dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán Bính Thân, Lễ hội đầu Xuân... Từ đó, phản ánh đầy đủ và rõ nét trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Sở Y tế đã cùng với các ngành chức năng chủ động tham mưu tổ chức thành công Hội nghị triển khai “Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm“ năm 2016 tại Trung tâm Y tế dự phòng.

Thông qua hội nghị, các quận, huyện, xã, phường hiểu hơn về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm ATTP trên địa bàn thành phố.

Tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy, TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế, thay mặt các ngành liên quan khẳng định: Công tác ATTP 5 tháng đầu năm 2016 Hà Nội đã đạt được kết quả tốt không để bùng phát bệnh, dịch nguy hiểm và chủ động giám sát, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm...

Để đạt được kết quả trên là do các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm, ban hành và triển khai kịp thời nhiều văn bản về ATTP, cùng sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước: Y tế - Nông nghiệp - Công Thương và các ban, ngành, đoàn thể (công an, giáo dục, nông dân...); giữa Sở Y tế với Ban quản lý KCN-CX Hà Nội.

Nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm ATTP

Với quan điểm “Nói đi đôi với làm“, các ngành chức năng của thành phố đã chủ động xây dựng danh mục, danh sách cơ sở, cửa hàng, siêu thị có sản phẩm hàng hóa đảm bảo ATTP đưa công khai lên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương.

Thường xuyên rà soát các cơ sở thực phẩm trên địa bàn để từ đó có kế hoạch thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 59.109 cơ sở thực phẩm (năm 2015 có 58.092 cơ sở).

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình; có 14.226 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đã cấp được 1.753 giấy giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, đạt 12,32 %.

Về tình hình nhập lậu, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở NNPTNT tăng cường công tác kiểm soát, tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; Thực hiện mô hình chuỗi thực phẩm an toàn (rau, quả, chè) với hơn 30 chuỗi các loại; công tác thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức.

Để công tác thanh, kiểm tra được chặt chẽ và theo đúng quy trình, đã thành lập 766 đoàn (trong đó thành phố 36 đoàn; quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn 730 đoàn). Tuyến thành phố thành lập 6 đoàn trong “Tháng Hành động vì ATTP” và thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Kết quả, kiểm tra 50 lượt tiến độ hoạt động của 30/30 ban chỉ đạo VSATTP quận, huyện, thị xã 27 lượt dịp Tết và 23 lượt dịp “Tháng Hành động”. Kiểm tra 48.899 cơ sở, phát hiện 7872 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý 6227 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 488 cơ sở, phạt tiền 2736 cơ sở với số tiền phạt hơn 13 tỉ đồng.

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong “Tháng ATTP” đã thanh, kiểm tra: 11.817 cơ sở, phạt tiền: 978 cơ sở và số tiền phạt hơn 3 tỉ đồng). Ngoài ra, còn tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP.

Quyết liệt hơn, liên ngành thành phố đã lấy 775 mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm (trong “Tháng hành động” đã lấy 214 mẫu), phát hiện 49 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố. Xét nghiệm nhanh đạt 107.574/119.423 mẫu (90,1), trong đó tuyến huyện đạt 101.550/113.203 mẫu, tuyến thành phố đạt 6024/6220 mẫu.

Cấp 5 giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho 8 cửa hàng kinh doanh thuộc 6 chuỗi siêu thị. Đã tổ chức lấy 28 mẫu (19 mẫu rau, 9 mẫu thịt) kiểm nghiệm duy trì hằng tháng tại 8 cơ sở bày bán sản phẩm an toàn đã được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn.

Chia sẻ về khó khăn trong việc thanh, kiểm tra công tác ATTP, TS Hoàng Đức Hạnh cũng thẳng thắn thừa nhận: Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP vào Hà Nội tuy có giảm, nhưng còn diễn biến phức tạp.

Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn do nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ...; nhân lực mỏng và thiếu kinh nghiệm về ATTP...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đối với ngành y tế, TS Hạnh cho biết: Tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong mùa hè...; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là kiểm tra đột xuất.

Xử lý nghiêm vi phạm hành chính về ATTP; phối hợp chặt chẽ với liên ngành và giữa các tuyến huyện, thị xã, xã, phường; đẩy mạnh thông tin truyền thông về ATTP; phòng, chống bệnh mùa hè, mùa mưa bão...; Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND thành phố về ATTP.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này