Phí BOT: Đừng đặt gánh nặng lên vai dân

10:34 | 19/05/2016
Trong thời gian qua, các dự án giao thông BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của đất nước. Tuy nhiên, nhiều dự án BOT đang lộ rõ sự bất cập với mức phí quá cao, khiến các doanh nghiệp vận tải phải (DN) tăng cước phí, dẫn đến một loạt hệ lụy giá cả hàng hóa cũng tăng theo rốt cuộc gánh nặng phí, giá lại đổ lên đầu người dân…
phi bot dung dat ganh nang len vai dan ​Quảng Bình xin kéo dài thời gian thu phí BOT
phi bot dung dat ganh nang len vai dan Trạm thu phí BOT đang bủa vây Hà Nội

Oằn mình cõng phí

Theo thống kê của Bộ Giao thông  - Vận tải  (GTVT), hiện cả nước có 71 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT.

Nhiều dự án đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, rút ngắn được thời gian đi lại của người dân, phát triển kinh tế địa phương nơi có dự án đi qua, đảm bảo an ninh quốc phòng như các tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai; TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… Nhưng cạnh đó,  cũng có nhiều dự án BOT bất hợp lý khiến dân phải oằn mình đóng phí.

phi bot dung dat ganh nang len vai dan
Trạm thu phí dày đặc trên các tuyến quốc lộ.

Về vấn đề này, đại diện một hãng vận tải container bức xúc cho biết:  Một xe container 40 feet chạy quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng  chỉ mất 700.000 đồng tiền dầu, nhưng phải trả phí đường 800.000đ/lượt (trước đây là 320.000đ/lượt, còn nếu đi cao tốc là 1.200.000đ/lượt.

Do vậy, để tồn tại, các DN vận tải phải tiết giảm chi phí và buộc phải tăng cước vận tải. Trong khi đó, Bộ GTVT lại chủ trương yêu cầu các DN vận tải giảm giá cước là bất hợp lý và không phù hợp cơ chế thị trường.

Trong khi đó, nếu từ Hà Nội về Thái Bình tiền phí đường đắt hơn tiền xăng, đặc biệt đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhà đầu tư chỉ sửa chữa, nâng cấp mà thu 45.000đ/lượt xe 4 chỗ là điều bất hợp lý.

Bức xúc không kém anh Đức Trọng - ở thị trần Đồng Văn (tỉnh Hà Nam) nói với PV đoạn từ quốc lộ 38 ra cầu Đồng Văn gần 2km, anh phải đóng 75.000đ cho toàn tuyến tránh Phủ Lý là cực bất hợp lý.

Cùng đó, một số lái xe nhằm giảm cước phí vận tải đã né các trạm thu phí bằng cách chạy vào các đường liên thôn, liên huyện khiến các đường này vô tình bị  xuống cấp nghiêm trọng như đường 391 - đoạn Hải Dương. Hay như quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, nhà đầu tư không làm đường gom cho xe thô sơ, đã dẫn đến việc các phương tiện môtô, xe máy và xe thô sơ mất đường đi…

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên khẳng định, chủ trương BOT là đúng, tuy nhiên, cũng có nhiều điểm bất hợp lý, như đường Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ nâng cấp, mở rộng lan can, thảm mặt đường mà thu thấp nhất 45.000đ/lượt là quá bất hợp lý. Chưa xong đã thu, vừa làm vừa thu là không đúng. 

Một đoạn đường hơn 100km từ Hà Nội đi Thái Bình mà có tới 4 trạm thu phí, có trạm cách nhau  hơn 30km là bất cập. Cơ quan chức năng không tính toán đến sức mua của người dân mà chỉ muốn bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.

Duy ý chí là làm bằng được thu bằng được đã gây hiệu ứng tiêu cực. BOT là tốt, nhưng phải có kiểm soát từ khâu đầu, có đấu thầu kiểm soát của Nhà nước, thậm chí quốc tế. Suất đầu tư hiện nay BOT chỉ giữa Nhà nước và tư nhân nên tôi không tin có sự minh bạch.

Cần điều chỉnh mức phí hợp lý

Việc tăng mức phí tại trạm BOT Quán Hàu (tỉnh Quảng Bình) làm nhân dân bức xúc khiến UBND tỉnh này phải kiến nghị lên liên Bộ Tài chính và GTVT xem xét phương án cho phép tính toán kéo dài thời gian thu phí tại dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 qua địa phương và chỉ đạo các nhà đầu tư sớm thực hiện việc giảm mức phí nhằm đảm bảo tự an toàn giao thông.

Còn trên bình diện chính sách, Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa ban hành, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là DN kinh doanh dịch vụ vận tải.

Trước đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Nhà nước nên xem xét lại giá phí đường BOT, cự ly các trạm BOT để phù hợp với sức chịu đựng của người dân và đúng với quy định hiện hành. Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thu phí để giảm thời gian chờ đợi, tăng tốc độ lưu thông, giảm chi phí vận tải khi phải dừng lại nhiều trạm BOT.  

Thực hiện NQ của Chính phủ, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ này đang phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các dự án BOT theo hướng tiết giảm, hạn chế tăng phí. Các dự án BOT đều phải đưa ra phương án hoàn vốn khả thi thì mới vay được vốn của ngân hàng.

Do vậy, phương án giảm phí và tăng thời gian thu là không khả thi vì nếu kéo dài thời gian thu phí thì cũng đồng nghĩa với kéo dài thời gian trả lãi ngân hàng của chủ đầu tư. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, phí BOT đang ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của DN.

Chi phí vận tải cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, giảm sức thu hút đầu tư các DN nước ngoài, người dân phải mua hàng hóa đắt đỏ hơn, kìm hãm nền kinh tế phát triển. Đây là bài toán không có lời giải, bởi ngay từ đầu, các cơ quan chức năng đã không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khiến chi phí tăng cao, đội vốn, kéo dài thời gian làm dự án.

Để giảm bớt khó khăn cho người dân, tốt nhất là nên kéo dài thời gian thu phí để giảm bớt gánh nặng cho DN, cho người dân hoặc thanh, kiểm tra lại toàn bộ các dự án để trả lại đúng giá trị thực.

Đặng Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này