Công nhân lao động Thủ đô: Xứng đáng hưởng những thành quả tốt nhất

09:45 | 28/04/2016
Không phải ngẫu nhiên khi mới được Bộ Chính trị phân công về đảm nhận trọng trách đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chọn Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (KCN) là địa điểm tới thăm và làm việc. 
cong nhan lao dong thu do xung dang huong nhung thanh qua tot nhat Hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm công dân
cong nhan lao dong thu do xung dang huong nhung thanh qua tot nhat Thi đua tạo động lực phát huy sáng kiến trong công nhân lao động

Vì đơn giản, KCN là nơi hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất và cũng là nơi thu hút công nhân lao động (CNLĐ) đông nhất và cũng là tầng lớp đóng góp lớn nhất trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô.

Từ những đóng góp lớn lao…

Phát huy bản lĩnh, trí tuệ của giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam trong gần một thế kỷ qua, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH), xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, GCCN Việt Nam đã, đang khẳng định vị thế quan trọng của mình.

cong nhan lao dong thu do xung dang huong nhung thanh qua tot nhat
Để có được những sự phát triển như hôm nay, có phần đóng góp phần quan trọng của CNLĐ Thủ đô

Theo nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ VN) Đặng Ngọc Tùng, với số lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động và 11% dân số cả nước, nhưng GCCN VN đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách Nhà nước.

Hòa chung vào niềm tự hào của GCCN nước nhà, tầng lớp CNLĐ Thủ đô  cũng đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp. Những năm qua, CNLĐ Thủ đô luôn đóng góp đến 55% GRDP cho kinh tế thành phố.

“Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đạt được trong thời gian qua, nhất là 30 năm đổi mới, có sự đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và lao động Thủ đô.

Đảng bộ và nhân dân Thủ đô tự hào và đánh giá cao những cống hiến của phong trào công nhân, lao động và tổ chức Công đoàn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thời gian tới phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH Thủ đô và đất nước.

Nêu cao vai trò tiên phong của mỗi công nhân Thủ đô, nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ công nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa Thủ đô; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết; ngày càng được tri thức hóa, có trình độ kỹ thuật cao, từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, thích ứng nhanh với môi trường làm việc, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao”.

UVBCT- Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, sau hơn 7 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội, kinh tế Thành phố luôn duy trì tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt trên 9,% mỗi năm.

Còn  số liệu của Cục Thống kê TP cho hay, chỉ riêng năm 2015 tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố đạt 146.585 tỉ đồng, tăng 3,5% so với dự toán năm, tổng chi ngân sách đạt 69.970 tỉ đồng, tăng 18,4% so với dự toán năm. Như vậy, cán cân ngân sách của Thành phố đạt thặng dư khoảng 76.615 tỉ đồng. Để đạt được những con số kinh tế ấn tượng này, CNLĐ Thủ đô đóng góp một phần quan trọng.

Điển hình về sự lớn mạnh của đội ngũ CNLĐ và đóng góp cho kinh tế Thành phố là CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN- KCX). Theo số liệu của Ban quản lý các KCN & CX Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 9 KCN hoạt động với diện tích 1.200 ha, thu hút trên 140.000 lao động.

Các KCN đã đóng góp gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp, gần 60% kim ngạch xuất khẩu toàn Thành phố, đóng góp ngân sách thành phố trên 2.200 tỉ đồng/năm, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô.    

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, ngoài việc các cấp, ngành thể chế hóa, vận dụng, triển khai đồng bộ vào thực tiễn cuộc sống thì nhân tố góp phần quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra chính là tầng lớp CNLĐ. Trong đó, chất lượng chuyên môn gắn với nâng cao tay nghề được xem là chìa khóa mở ra thành công.

… Đến phải quan tâm hơn nữa đời  sống vật chất

Có thể nói, CNLĐ đã có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, nhưng những gì mang lại cho họ trên cả lĩnh vực đời sống tinh thần và đời sống vật chất vẫn chưa tương xứng.

Bên cạnh những nội tại khách quan như sự phát triển của CNLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường, khả năng ngoại ngữ yếu kém, thì vấn đề có tính chất khách quan là địa vị chính trị của CNLĐ chưa thể hiện đầy đủ.

Điều bất cập nhất là giai tầng làm ra đến 55% GRDP, nhưng hiện tại đa số CNLĐ lại có đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn và thu nhập không cao. Đặc biệt, những công nhân đang làm việc tại KCN có đến trên 85% phải đi thuê nhà bên ngoài với giá khá cao, lại sống trong điều kiện thiếu thốn về tiện nghi.

Lương thấp, đại đa số công nhân phải đi làm tăng ca, giờ nghỉ để tái tạo sức lao động ít, thời gian cho hưởng thụ văn hóa cũng không nhiều. Cạnh đó, không ít làng công nhân đang đối mặt với thực tế 3 không: Không trường, không trạm, không nhà văn hóa...

Để thực hiện sứ mệnh cao cả của GCCN, ngày 28.1.2008, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 20- NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước đến năm 2020.

Thực hiện NQ của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã đi tiên phong trong việc cụ thể hóa chương trình hành động này. Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên tiến hành quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở công nhân gắn với các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Đồng thời, tiến hành phát hành các loại báo, trong đó có Báo Lao động Thủ đô đến cho CNLĐ… những việc làm này đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, người lao động.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, mà hiện trên địa bàn TP chỉ có KCN Bắc Thăng Long và KCN Phú Nghĩa đã xây dựng nhà ở cho công nhân với số lượng hạn chế, còn tại các KCN khác trên phạm vi Thành phố nói chung, cả nước nói riêng đang “trắng” nhà ở công nhân.

Để thực hiện việc phủ kín nhà ở công nhân tại các KCN, TP đang tiến hành thí điểm mô hình xã hội hóa nhà ở công nhân theo hình thức: TP tạo quỹ đất sạch và cho cơ chế ưu đãi, nhà đầu tư và doanh nghiệp sử dụng lao động cùng tiến hành xây dựng. Nhưng đến nay mô hình vẫn trong giai đoạn khởi đầu…

Trong khi việc thực hiện NQ 20 của Ban chấp hành Trung ương chỉ còn 4 năm, tin tưởng và hy vọng với những chủ trương của Đảng, sự quan tâm, chỉ đạo sát của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội và các cấp ban, ngành thời gian tới đội ngũ CNLĐ Thủ đô sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên mọi mặt, cụ thể:

Nhận thức chính trị, hiểu biết luật pháp, trình độ chuyên môn, năng suất lao động gắn với thu nhập, nhà ở và cải thiện đời sống tinh thần. Hay nói như PGS. TS Vũ Quang Thọ (Viện Công nhân) một giai tầng làm ra đến 55- 60% tổng sản phẩm xã hội, giai tầng đó phải xứng đáng hưởng những thành quả tốt nhất.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này