Nhộn nhịp ngày hội của giai cấp công nhân

06:00 | 30/04/2016
Ngày Quốc tế Lao động 1.5 đã trở thành ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới; là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
nhon nhip ngay hoi cua giai cap cong nhan Nguyện đem hết sức mình phục vụ giai cấp công nhân và người lao động
nhon nhip ngay hoi cua giai cap cong nhan Tự hào giai cấp công nhân

Trong những năm gần đây, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới; đã và đang tổ chức nhiều hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ, có hành động sát thực hơn, ý nghĩa hơn với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

Dấu ấn tự hào

Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông.

Phong trào đấu tranh ngày 1.5.1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930- 1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc đến Nam nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy.

nhon nhip ngay hoi cua giai cap cong nhan
Công nhân hăng say lao động.

Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội Đỏ, công nhân cùng với nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1.5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.

Đặc biệt, tại các Nhà máy Xe lửa Tràng Thi, Nhà máy Cưa, Nhà máy Diêm Bến Thuỷ, hàng nghìn thợ thuyền cùng sát cánh với nông dân ngoại thành đòi ngày làm việc 8 giờ, giảm sưu thuế; cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân Nhà máy Sợi Nam Định trọng 21 ngày gian khổ cũng góp phần vào cao trào cách mạng toàn quốc do Đảng lãnh đạo.

Trong những năm gần đây, với lực lượng gần 9 triệu đoàn viên, gần 130 nghìn CĐCS, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới, đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy rõ vị trí, vai trò, chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cán bộ, đoàn viên với phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”.

Sau khi giành được độc lập, ngày 18.2.1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1.5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29.4.1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1.5.

Ngày 1.5.1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới.

Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên, nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa.

Đối với chúng ta, nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, ngày Quốc tế Lao động 1.5 hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Ngày “Tết Công nhân” 1.5 năm nay, nhiều hoạt động kỷ niệm đã được các cấp Công đoàn cả nước  triển khai sâu rộng và thiết thực.

Nhiều hoạt động thiết thực

Theo ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động 1.5 không chỉ  là dịp để các tầng lớp nhân dân cùng nhau ôn lại truyền thống, những cống hiến, đóng góp to lớn của các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ; mà còn là dịp để giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu và các thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước và nhân dân đã quan tâm, chăm lo và dìu dắt giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân lao động hơn 8 thập kỷ qua.

“Các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động 1.5 được Tổng LĐLĐ VN chỉ đạo tổ chức đồng bộ ở các cấp công đoàn, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; tránh phô trương, hình thức, hướng mạnh về cơ sở.

Ban Thường vụ Công đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy đảng cùng cấp chỉ đạo tổ chức các hoạt động, huy động các nguồn lực xã hội, của người sử dụng lao động để đoàn viên, CNVCLĐ được hưởng những ngày “Tết Lao động” thực sự có ý nghĩa và ngày 1.5 cũng là ngày nhân dân đoàn kết phát triển đất nước”- ông Tiêm cho biết.

Theo đó, Tổng LĐLĐ VN tham gia biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động 1.5; phối hợp tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động 1.5 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội); tổ chức, triển lãm sản phẩm tiêu biểu của chương trình “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam”, tôn vinh sản phẩm và công nhân xuất sắc nhất; tổ chức hội thảo khoa học “Truyền thống phong trào công nhân và bài học đổi mới hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam” và chương trình ẩm thực, văn hóa, văn nghệ phục vụ công nhân.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này