Làm gì để không lãng phí chung cư, biệt thự hoang?

10:56 | 14/04/2016
Trước thực trạng nhiều khu biệt thự cao cấp bị bỏ hoang rêu mốc, được tận dụng làm nơi bán bia hơi, trà đá, chăn thả gia súc gia cầm, trở thành nơi xả rác gây ô nhiễm môi trường tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, tệ nạn xã hội, một số chuyên gia đã hiến kế những giải pháp giúp các dự án này phát huy được hết tiềm năng, không bị lãng phí…
lam gi de khong lang phi chung cu biet thu hoang Hệ lụy từ chung cư, biệt thự bỏ hoang: Nỗi lo ô nhiễm, dịch bệnh
lam gi de khong lang phi chung cu biet thu hoang Hệ lụy từ chung cư, biệt thự bỏ hoang: Nguy cơ nảy sinh tội phạm

Biến khu biệt thự bỏ hoang thành… phim trường

Đó là giải pháp mà GS.TS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hiến kế. Theo GS. Đặng Hùng Võ, ở Hà Nội, không chỉ có các khu biệt thự ở Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), An Khánh (huyện Hoài Đức), Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mà còn có rất nhiều khu biệt thự cao cấp khác bị bỏ hoang. Nguyên nhân là do thời kỳ sốt giá đất, nhiều người bỏ tiền vào bất động sản để đầu cơ, các nhà đầu tư cứ xin được đất thì làm, bán thì có lãi. Tuy nhiên, đến khi thị trường bất động sản xuống, thì những loại bất động sản có giá trị sử dụng thực sự thì mới có người mua. Còn những khu biệt thự hiện bị bỏ hoang đều là khu dành cho người giàu có. Nhưng người nhiều tiền thì chẳng ai đến những khu này để ở, bởi họ sẽ tìm mua những nơi cơ sở hạ tầng tốt, đời sống cao, môi trường tốt…

lam gi de khong lang phi chung cu biet thu hoang
GS. Đặng Hùng Võ Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô.

Một điều khác là do nhà đầu tư bị ảnh hưởng sức nóng của thị trường mà đầu tư  vội vàng và không cân nhắc. Chuyện này đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, chúng ta thấy có hàng chục, thậm chí hàng trăm khu thành phố “ma” được đầu tư xây dựng rất lớn, nhưng không ai đến ở vì nó không đủ điều kiện sống trong môi trường đô thị.

Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có 16 dự án khu biệt thự cao cấp của 11 chủ đầu tư được kiểm tra với hơn 2.600 căn thì có gần 700 căn vẫn còn trong tình trạng xây thô, bỏ hoang. Những căn biệt thự cao cấp này đều có giá từ 10 – 20 tỉ đồng.

Về giải pháp “đốt nóng” thị trường này thì rất khó, bởi điều kiện thực tế chưa đáp ứng được thì không ai quyết định mua để ở cả. Còn việc thay đổi để sử dụng vào việc khác thì ta có thể học theo Trung Quốc khi biến những thành phố “ma” thành phim trường. Ngoài ra, chưa thấy Trung Quốc dùng những thành phố này vào việc gì cả. Việc biến những khu biệt thự này thành phim trường là giải pháp tốt, nhưng không biết ở Việt Nam có thực hiện được không.

“Trước và ngay cả bây giờ, mình đang quy hoạch phát triển về hướng Tây, tuy nhiên đây là phía rất dễ ngập lụt như năm 2008. Theo tôi, nên quy hoạch về phía Đông Anh, Gia Lâm thì sẽ hợp lý hơn, bởi đây là vùng đất cao, không bị ngập lụt, đồng thời nó lại bọc sông Hồng ở giữa và có nhiều lợi thế để phát triển đô thị hơn” - GS. TS. Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Doanh nghiệp cần nhanh nhạy hơn

Đó là góp ý của ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Theo ông Thành, để giải quyết vấn đề biệt thự “ế”, dự án bị ngưng đọng do nhà đầu tư không còn khả năng, thì trước hết, thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Bởi khi triển khai dự án đã không nắm bắt được xu thế của thị trường, cũng như những biến đổi, nhu cầu thực của người tiêu dùng. Hiện nay, chính sách Nhà nước đã mở, vấn đề là chủ đầu tư phải bám sát, thực hiện những chính sách ấy vào dự án của mình cho phù hợp. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn để nhà đầu tư có thể thực hiện tiếp được dự án. Điều này sẽ giảm được sự lãng phí, cũng như tạo điều kiện để sản phẩm được hoàn thiện, tạo ra được giá trị tốt hơn, thu hút được người mua.

lam gi de khong lang phi chung cu biet thu hoang
Ở Hà Nội hiện còn nhiều khu biệt thự bỏ hoang như thế này.

Đối với những dự án mà chủ đầu tư không còn khả năng, năng lực thì Nhà nước nên chuyển đổi dự án, hoặc cho những nhà đầu tư khác có tiềm lực triển khai tiếp. Nhà nước không nên cứng nhắc, thu hồi, bởi thủ tục hết sức phức tạp, cũng như không giải quyết được mục tiêu cuối cùng là đưa sản phẩm ra thị trường…

Ngoài những đề xuất giải pháp trên, theo tìm hiểu của phóng viên, để giải quyết vấn đề biệt thự bỏ hoang, nhiều người đưa ra đề xuất Nhà nước nên trưng mua những biệt thự này để hoàn thiện rồi cho thuê hoặc bán lại cho người có nhu cầu.

Một đề xuất cũng đáng lưu ý là nên xử phạt hành chính chủ sở hữu những ngôi biệt thự bỏ hoang với mức 5% giá trị hợp đồng hay tính thuế 10% tổng giá trị căn nhà. Hoặc áp dụng thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi thứ hai trở lên. Nhiều chuyên gia cũng hiến kế, chính quyền địa phương nên kiểm tra, xử phạt những chủ nhà để nhà không, đồng thời đề ra thời hạn nhất định, yêu cầu họ phải hoàn thiện. Nếu hết thời hạn mà chủ đầu tư và người sở hữu nhà không thực hiện đúng như cam kết thì Nhà nước nên thu hồi lại để bán đấu giá hoặc Nhà nước mua lại theo giá đã thẩm định để làm nhà ở công vụ, văn phòng…

Ngô Hùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này