Chuyện về chiếc cổng làng đẹp nhất kinh kỳ

11:01 | 31/03/2016
Thăng Long - Hà Nội đã có hơn 1.000 năm tuổi, cũng là chừng ấy năm những tập tục văn hóa, sinh hoạt dân tộc có phần bị mai một… Nhưng có những chiếc cổng làng vẫn được người già gìn giữ và nghiên cứu, được xem như báu vật của người làng mình, cho dù những chiếc cổng ấy nằm giữa những con phố tấp nập. 
Cái máy nước
Hồ Gươm trong lòng người Nam Bộ
"Chuyện thường ngày" của Hà Nội xưa

Rạch ròi cổng quan, cổng dân

Thụy Khuê một con phố sầm uất nằm ven Hồ Tây thơ mộng, nhưng cũng là con phố sở hữu nhiều báu vật của Thăng Long xưa nhất, trong đó chiếc cổng làng được người dân ví von là cổng làng “đẹp nhất kinh kỳ”. Chia sẻ về niềm đầy tự hào về cổng làng mình, cụ Lý Thị Sỉnh (84 tuổi, ở ngõ 378/28 phố Thuỵ Khuê) cho hay, cụ tự hào vì là hậu duệ của Lý Văn Phức - người đã có công khai sinh ra làng Hồ Khẩu. Vì thế, ngay từ những ngày cụ biết nhận thức về cuộc sống, thì làng Hồ Khẩu đã có nhiều cổng như hiện nay và nó được phân biệt rất rõ ràng từng đối tượng để đi lại cho đúng cổng của mình.

Chuyện về chiếc cổng làng đẹp nhất kinh kỳ
Cổng làng Hồ Khẩu cổ vẫn còn được người dân bảo vệ giữ gìn.

Cũng theo cụ Sỉnh, vào làng Hồ Khẩu có nhiều cổng, nhưng dân làng chủ yếu đi qua 3 cổng chính. Cổng 370, 372 và 376. Trong đó, cổng 372 chỉ dành cho quan triều đình đi lại và mỗi khi có lễ hội thì rước kiệu qua cổng này. Cổng 376 dành cho mọi người dân, nên cũng là cổng được người dân lựa chọn đi lại nhiều nhất. Chính từ tập tục truyền thống lâu đời để lại mà bây giờ, dân làng Hồ Khẩu cũng vẫn giữ nguyên những kiêng kỵ từ thời xưa.

“Sống đến ngần này tuổi rồi, nhưng không chỉ có tôi, mà mọi người dân ở đây đều thấy tự hào khi được sống ở làng và tự hào về những chiếc cổng làng đã có hàng nghìn năm tuổi. Chỉ tiếc chiếc cổng không còn nguyên vẹn như vài trăm năm trước đây khi phải gánh lên nó trách nhiệm xã hội.

Bởi đời sống xã hội phát triển, nghề làm giấy dó truyền thống của làng bị mất đi, nhà nhà đều rơi vào cảnh thất nghiệp nên dần dần, người dân chiếm khu vực cổng làng làm nơi buôn bán. Ngay cả chiếc cổng ở ngõ 372, người làng cũng biến thành chợ cóc. Có lẽ ít người tin, bên ngoài là những xô bồ, là hồ Tây đắt giá và hiện đại, nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng làng này, phiên chợ của một làng quê được tái hiện thanh bình và yên ả đến mức không ai dám nghĩ mình đang ở giữa khu đất vàng của Thủ đô” – cụ Sính tâm sự.

Vì sao được mệnh danh “Cổng làng đẹp nhất kinh kỳ”?

Để giải đáp thắc mắc về chiếc cổng “đẹp nhất kinh kỳ” năm nào, chúng tôi đã đến gặp ông Vũ Văn Luân (83 tuổi) - nguyên Trưởng ban Di tích của làng – được biết, những chiếc cổng làng Hồ Khẩu được ví như đẹp nhất kinh kỳ bởi rất nhiều lý do. Thứ nhất là cổng làng có vị thế rất đẹp, trước mặt là dòng sông Tô uốn lượn, sau lưng là một góc của Phượng Thành (một tên gọi cũ của Thăng Long). Bên cạnh đó, trên mỗi cổng làng đều ghi lại câu đối, mô tả vẻ đẹp hoặc tính cách của người làng.

Như cổng 376 ghi: “Cổ vãng kim lai hành chính đạo/ Nam du Bắc ngoạn ngưỡng Tây Hồ” - nghĩa là, từ xưa đến nay, đây là con đường chính để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của hồ Tây. Câu đối ở cổng chính (ngõ 372) cho biết, lịch sử của làng Hồ gắn liền với thời Hùng Vương. Chuyện kể rằng, ngày xưa, 2 đức Thành làng Hồ Khẩu giúp Vua Hùng đánh thắng quân thù, mở hội khải hoàn ca ở cổng làng và ghi 2 câu đối ở cổng giữa. Câu đối đại ý rằng: Nơi đây cởi bỏ áo giáp, còn nghe rõ tiếng sóng kình vọng tới, còn nghe cả tiếng ngựa hí/ Đến nay trẻ già còn truyền lại sự việc đó. Tích ấy còn lưu lại ở gò Long Tản và miếu Quy Đôi, gió mưa đã được che chở từ xưa…

Vẻ đẹp nữa được ông Luân nhắc đến, đó chính là chiếc cầu nối giữa các cổng làng với nhau, người dân thương gọi là gian cầu. Ông Luân tự hào cho biết: Ngày trước, cứ cách một cổng làng là có chiếc cầu nhỏ cong cong. Người làng đi lại trên cầu tấp nập càng làm tôn lên vẻ kiêu kỳ của chiếc cầu, của cổng làng và không gian Hồ Khẩu. Ông Luân còn kể: Làng Hồ Khẩu trước đây là làng phát quan, nhiều người đỗ đạt ông nghè, cử nhân, được người làng trọng vọng đón rước. Nhưng kể từ khi một người con rể của làng đỗ đạt, những người già trong làng cho rằng làng nhiều quan, nên không cần sửa sang đường xá để đón với nghi thức “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Điều này khiến người con rể tức giận, đã quay lưng lại cổng làng. Làng Hồ Khẩu mất quan từ đấy…

Hồ Khẩu mất quan, nhưng người dân làng vẫn chung tay giữ gìn những chiếc cổng làng, dù nó không còn được nguyên vẹn như trước, để mỗi khi hội hè, đình đám, người già lại tụ hội, kể lại những câu chuyện liên quan đến chiếc cổng làng với một niềm kiêu hãnh. Thế nhưng, trước tình trạng những cổng làng hiện đang bị lấn lướt vẻ đẹp cổ bởi những chợ cóc, chợ tạm, ông Luân xót xa: Chỉ mong làng Hồ Khẩu thoát hạn mất quan, để người làng giàu có hơn, để chợ cóc ngay cổng làng biến mất, trả lại cho làng những chiếc cổng làng đẹp nhất kinh kỳ khi xưa…

Tuấn Kiệt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này