Cơ quan chức năng chậm xử lý

Hàng chục cơ sở dăm gỗ hoạt động không phép ở tỉnh Thanh Hóa

12:09 | 29/03/2016
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng loạt nhà máy, cơ sở chế biến gỗ dăm đang hoạt động không phép. Điều này nói lên sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng địa phương.
Có hay không việc "bảo kê" cho hàng loạt công trình không phép ở Mai Dịch?
Nỗi lo từ những bể bơi không phép
Chính quyền xã "bảo kê" cho bãi cát không phép hoạt động

Qua tìm hiểu, tại xã Xuân Bình (huyện Như Xuân), cơ sở sản xuất chế biến dăm gỗ của gia đình ông Lê Anh Tuấn quy mô khá lớn với đầy đủ hệ thống dây chuyền giàn băm hiện đại, thiết bị, bàn cân... Cơ sở này đã hoạt động trong thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương lại không hay biết (!?) và chỉ đến khi người dân cung cấp thông tin thì cơ quan chức năng mới xuống kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ xây dựng và buộc tháo dỡ, di chuyển. Tuy nhiên, do việc xử lý không dứt điểm, chỉ một thời gian sau, cơ sở này đã hoạt động trở lại.

Hàng chục cơ sở dăm gỗ hoạt động không phép ở tỉnh Thanh Hóa
Một cơ sở dăm gỗ không phép tại xã Bãi Trành, Như Xuân.

Theo ông Trương Văn Ký - cán bộ địa chính Xuân Bình: “Cơ sở sản xuất dăm gỗ của gia đình ông Lê Anh Tuấn đã bị lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ gia đình cam kết không vi phạm và phải tháo dỡ các hạng mục đã xây dựng. Xã cũng đã báo cáo lên huyện sự việc và chỉ đạo không cho cơ sở này kéo điện từ Nghệ An sang để dùng cho việc hoạt động sản xuất dăm gỗ trái phép. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do xã bận nhiều việc nên chưa xử lý dứt điểm”.

Còn tại khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh) hộ ông Nguyễn Văn Thành tự ý san lấp khu vực đất lâm nghiệp hơn 3.000 m2, để xây một xưởng băm dăm trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý, nhưng xưởng gỗ dăm này vẫn ngang nhiên xây dựng, lắp ráp hoàn thiện máy móc, thiết bị để băm dăm.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Bí thư - Chủ tịch UBND thị trấn Bến Sung - thừa nhận: “Thời gian trước, do việc quản lý còn chưa chặt chẽ, nên gia đình ông Thành xin san lấp, cải tạo vườn keo làm xưởng mộc, rồi biến thành xưởng băm dăm trái phép. Khi phát hiện sự việc, thị trấn đã cho cán bộ địa chính xuống lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính và buộc gia đình khẩn trương, tháo dỡ các công trình đã xây dựng trái phép, nhưng hộ ông Thành vẫn chưa chấp hành”.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Bí thư - Chủ tịch UBND thị trấn Bến Sung - thừa nhận: “Thời gian trước, do việc quản lý còn chưa chặt chẽ, nên gia đình ông Thành xin san lấp, cải tạo vườn keo làm xưởng mộc, rồi biến thành xưởng băm dăm trái phép. Khi phát hiện sự việc, thị trấn đã cho cán bộ địa chính xuống lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính và buộc gia đình khẩn trương, tháo dỡ các công trình đã xây dựng trái phép, nhưng hộ ông Thành vẫn chưa chấp hành”.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay có hàng chục nhà máy, cơ sở băm dăm đang hoạt động rất rầm rộ, nhưng không được cấp phép, như Hợp tác xã Quang Minh (huyện Như Xuân), Cty Sắn Như Xuân, Cty Lâm nghiệp Lang Chánh, DN Hải Yến (Cẩm Thủy), DN Dinh Tấn (Cẩm Thủy) và một số cơ sở băm dăm tại các xã Thành Mỹ, Kim Tân, Vân Du (huyện Thạch Thành)….

Trao đổi với phóng viên, ông ông Lê Ngọc Nghinh - Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư - cho hay, ngày 24.2.2016, Sở KHĐT có văn bản số 542/SKHĐT-KTĐN gửi các sở, ngành, đơn vị có liên quan, trên cơ sở văn bản tham gia ý kiến của các đơn vị và căn cứ tình hình thực tế, Sở KHĐT tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của các dự án chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thành phần đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các sở KHĐT, NNPTNT, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Cục Thuế Thanh Hóa, Cục Hải quan Thanh Hóa và UBND các huyện, xã thuộc phạm vi hoạt động của dự án. Thời gian kiểm tra từ ngày 3-16.3.2016.

Cũng trong ngày 16.3.2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra công văn số 2367/UBND-NN gửi các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện về việc “Khẩn trương kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh” báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25.3.2016. Nhưng hết thời gian yêu cầu , Sở KHĐT vẫn chưa nhận được kết quả báo cáo từ các ban, ngành, UBND các huyện để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Từ thực tế các nhà máy, cơ sở băm dăm gỗ nói trên hầu hết đều xây dựng và hoạt động tự phát, không phép, nên khiến việc kiểm tra, kiểm soát vô cùng khó khăn. Điều này còn ảnh hưởng đến việc trồng rừng, nhất là trồng cây keo bị bán non do nguồn nguyên liệu khan hiếm, trong khi đó người dân chỉ biết bán có tiền. Vì vậy, giá trị của các cây lâm sản giảm sút, rừng ngày một bị tàn phá khi cây con chưa kịp phủ xanh đã bị đốn hạ. Đó là chưa kể việc cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà máy dăm gỗ cũng đã khiến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Được biết, ngày 1.12.2014, Bộ NNPTNT đã có Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN, phê duyệt phương án quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014 - 2020, nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu, hạn chế tối đa việc sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng khai thác trong nước, nâng cao thu nhập cho người dân trồng rừng góp phần xóa đói giảm nghèo... Do vậy, các cơ quan ở tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương xử lý việc tồn tại của các cơ sở chế biến dăm gỗ đang hoạt động trái phép trên địa bàn.

Trịnh Tuyên - Thu Huyền

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này