Vở cải lương “Hừng Đông”

Gạch nối giữa truyền thống và đương đại

10:32 | 19/01/2016
Đưa khán giả sống lại với những năm tháng lịch sử qua hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, 3 đêm diễn của vở cải lương “Hừng Đông” diễn ra vừa qua tại rạp Hồng Hà (Hà Nội) đã không còn ghế trống. Đó là điều khó có thể tưởng tượng đối với một tác phẩm nghệ thuật đề tài chiến tranh cách mạng vốn từ lâu kén khán giả.
Nghệ sĩ cải lương Quang Khải: Mong có đất diễn để thể hiện tài năng
Tín hiệu mừng cho sân khấu cải lương
Nghệ sỹ cải lương Vũ Minh Vương qua đời

Làm sống lại lịch sử

“Hừng đông” là đứa con tinh thần thứ ba của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương gửi gắm cho NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đạo diễn. Đây là công trình được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, vở diễn là lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với các nhà cách mạng tiền bối; nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, xứng đáng với sự hy sinh, kỳ vọng của lớp cha anh.

Qua 3 đêm diễn vừa qua, “Hừng Đông” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Có thể nói, đã khá lâu rồi sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng mới tạo được sức “nóng” đến như vậy. Vở diễn đã tái hiện thành công hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu và các đồng chí hoạt động cùng ông như: Phan Bội Châu, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Đặng Xuân Khu…Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc sống bức bối của xã hội thực dân phong kiến Việt Nam giai đoạn 1923 – 1940. Từ bỏ cuộc sống của một viên chức trong bộ máy thực dân, Phan Đăng Lưu tham gia Hội Phục Việt, trở thành đảng viên Đảng Tân Việt, sau đó ông là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1940, trên đường công tác phía Nam, Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp bắt. Ông hy sinh vào ngày 26.8.1941.

Gạch nối giữa truyền thống và đương đại
Tạo hình các nhân vật trong vở cải lương "Hừng Đông".

Qua lăng kính của nghệ thuật của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên và êkíp sáng tạo, “Hừng Đông” đã không đi vào lối mòn cảm giác nặng nề của các tác phẩm nghệ thuật đề tài chiến tranh cách mạng khác mà đã hấp dẫn người xem không chỉ bởi những tên tuổi nghệ sĩ, diễn viên cải lương nổi tiếng mà cái chính là, đã đưa khán giả trở về sống trong những thời khắc cách mạng của dân tộc, cũng như ý chí, hoài bão của các chiến sĩ cộng sản.

Những cảnh nhà cách mạng Phan Đăng Lưu cùng những người tù bị giam cầm, bị đánh đập dã man trong nhà tù Buôn Ma Thuột; cảnh người chiến sĩ cộng sản chịu đủ những nhục hình như thời trung cổ cho đến lúc hy sinh, nhưng vẫn kiên cường, vẫn tin tưởng vào sự thành công của cách mạng giàu tính chân thật, nhân văn đã khiến người xem thực sự xúc động. Đây cũng là dịp để những đảng viên nhìn lại những trang sử vẻ vang, đầy cam go của lịch sử cách mạng, dù nội dung vở diễn đã diễn ra hơn 7 thập kỷ.

Tiếp biến giữa mới và cũ

“Hừng Đông” thành công một phần nhờ vào cách xử lý của đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên. Anh cho biết: "Đây là lần thứ ba tôi và tác giả Nguyễn Thế Kỷ cộng tác để làm vở. Chính điều này đã tạo áp lực rất lớn đối với ê-kíp dàn dựng. Làm thế nào để “Hừng Đông” không bị đánh giá là lặp lại hai vở trước đây là “Chuyện tình Khau Vai” và “Mai Hắc Đế” - đã gây được sự chú ý của công luận - là một thử thách lớn. Hơn nữa, đã từ lâu, Nhà hát Cải lương Việt Nam không xây dựng tác phẩm với đề tài cách mạng. “Hừng Đông” có cốt truyện trải dài về thời gian và những trang sử của Đảng, do vậy, để đảm bảo tính chân thực và sức hấp dẫn tránh khô cứng cho vở diễn cũng là một áp lực với chúng tôi”.

Việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong vở diễn như màn trình diễn của nhóm nghệ thuật đường phố Hub, jazz, rock, pop..., theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, là sự tiếp biến giữa cái mới và cái cũ, giữa đương đại và cổ truyền, phá cách những khuôn thước để tạo nên những giá trị mới cho nghệ thuật hôm nay, đồng thời không làm mai một những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương.

Qua lăng kính của nghệ thuật của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên và êkíp sáng tạo, “Hừng Đông” đã không đi vào lối mòn cảm giác nặng nề của các tác phẩm nghệ thuật đề tài chiến tranh cách mạng khác mà đã hấp dẫn người xem không chỉ bởi những tên tuổi nghệ sĩ, diễn viên cải lương nổi tiếng mà đã đưa khán giả trở về sống trong những thời khắc cách mạng của dân tộc, cũng như ý chí, hoài bão của các chiến sĩ cộng sản.

Ban đầu, tưởng chừng việc kết hợp đó khó ăn nhập, nhưng qua vở diễn lại thấy đồng điệu đến không ngờ. Việc đưa nghệ thuật đương đại vào sân khấu cải lương không hề có sự chênh hay làm phá vỡ hệ thống âm nhạc cải lương. Vở diễn tận dụng ưu thế tối đa của đặc trưng của sân khấu truyền thống cải lương là tính ước lệ để diễn tả những không gian, thời khắc lịch sử khác nhau.

Sân khấu cải lương truyền thống những ngày cuối năm thêm nhộn nhịp với những đêm đỏ đèn, đông kín khán giả. Cách đây hơn một tháng, vở “Vua Phật” của Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng làm thỏa mãn người hâm mộ và mới đây là “Hừng đông”. Dễ thấy rằng, nghệ thuật truyền thống, nếu biết làm mới, dù đề tài khá khô khan, vẫn có thể tạo nên sự hấp dẫn riêng.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này