Nghĩa vụ của người SDLĐ và NLĐ với công tác ATVSLĐ

16:14 | 14/01/2016
Hỏi: Xin luật sư cho biết, nghĩa vụ của người sử dụng lao động (SDLĐ) và người lao động (NLĐ) với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được quy định như thế nào? Trịnh Trung Kiên (Láng Hạ, quận Đống Đa)
Nhân sự tư vấn tâm lý trong trường học: Cần được quan tâm đúng mức
Quy định về quy trình thương lượng tập thể
Nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động năm 2012 thì, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được quy định như sau:

1. Bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường;

2. Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng;

3. Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động;

4. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng;

5. Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc;

6. Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Người lao động có nghĩa vụ sau đây:

1. Chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao;

2. Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc;

3. Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động.

L.S Trịnh Khánh Toàn
(Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tư vấn pháp luật đến địa chỉ: Báo Lao động Thủ đô, số 1A, Yết Kiêu, Hà Nội; hoặc gửi qua Email: [email protected]. Chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp những vướng mắc. Trân trọng!.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này