Thông xe hai dự án hầm chui hiện đại:

Giải tỏa áp lực “điểm nóng” giao thông

12:11 | 08/01/2016
Ngày 8.1.2016, đã chính thức thông xe hai hầm chui nút Thanh Xuân và Trung Hòa, công trình chào mừng năm mới 2016 và Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XII. Đây là sự kiện được đông đảo người dân Thủ đô đón đợi, dự án sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương kéo dài – những điểm đen thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm.
Nhiều xe biển đỏ, biển xanh bị phạt nguội
Chấn chỉnh hoạt động Taxi
Những công trình giao thông ấn tượng năm 2015

Là cửa ngõ quan trọng ở phía Tây Nam của thành phố, ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến được ví như “ngã tư khổ” vì thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Hằng ngày, vào giờ cao điểm, các loại phương tiện nối đuôi nhau hàng cây số, chầm chậm “bò” qua các đại công trường đang được thi công. Bên dưới lòng đường, có từ 3 đến 4 hàng xe ô tô ken đặc nối nhau khiến các phương tiện xe máy buộc phải di chuyển trên vỉa hè, chen lấn, nhích dần từng bước, thậm chí có khi giao thông bị án binh bất động hàng nửa tiếng đồng hồ. Việc hoàn thành đường hầm chui Thanh Xuân sẽ giúp cho người dân khi lưu thông qua nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến vào giờ cao điểm không còn chịu cảnh ùn tắc, đồng thời góp phần chia tách luồng phương tiện, tránh xung đột trực tiếp sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trao đổi về việc này, ông Phạm Anh Tú - Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban quản lý dự án Thăng Long - cho biết, dự án xây dựng hầm chui Thanh Xuân thuộc ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến khởi công vào ngày 28.6.2014 với tổng mức đầu tư 551 tỉ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Dự án gồm một đường hầm và đường dẫn vào hầm có tổng chiều dài 980m, trong đó chiều dài của phần hầm kín là 109m, mỗi chiều có 2 làn xe với mặt cắt ngang là 8m, vận tốc lưu thông cho phép là 60km/giờ. Hầm được thiết kế theo công nghệ tiên tiến, có hệ thống chống lóa được lắp ở dải phân cách, giúp lái xe không bị chói mắt bởi đèn pha của xe ngược chiều. Bên cạnh đó, phần hầm chui cũng được thiết kế để giảm thiểu độ ồn khi phương tiện di chuyển với tốc độ cao.

Giải tỏa áp lực “điểm nóng” giao thông
Để đảm bảo an toàn giao thông, cả hai hầm chui Thanh Xuân và Trung Hòa sẽ cấm phương tiện xe đạp và người đi bộ.

Cũng theo ông Tú, trong quá trình thi công hầm chui Thanh Xuân, đơn vị thi công đã gặp khá nhiều khó khăn khi phải thi công ngay bên dưới dự án đường sắt trên cao. Giữa hai dự án có sự chồng lấn nhau, vướng về mặt bằng. Thêm nữa, tại khu vực bên dưới hầm có đường ống dẫn nước, dây cáp ngầm, dây thông tin, nên phải di chuyển mất nhiều thời gian. Do đó, để hoàn thành kịp tiến độ, công trường thi công hầm chui Thanh Xuân thường xuyên có khoảng 300 công nhân thay phiên nhau làm 3 ca liên tục. “Dự án hầm chui Thanh Xuân hoàn thiện sẽ kết nối tuyến đường sắt trên cao, đường bộ và cầu cạn vành đai 3, tạo thành ngã tư 4 tầng xe chạy đầu tiên ở Thủ đô. Đây cũng chính là hầm chui hiện đại nhất của Thủ đô tính đến thời điểm hiện tại” - ông Tú tiết lộ.

Cách đó hơn 1 km, tại nút giao Trung Hoà (quận Cầu Giấy), một hầm chui khác cũng đã hoàn thiện. Theo quy hoạch, nút giao Trung Hòa nằm tại điểm đầu đại lộ Thăng Long giao cắt giữa đường vành đai 3, đường Trần Duy Hưng (thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Đây là đầu mối giao thông quan trọng có tính chất kết nối giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội với khu vực phía Tây của thành phố; là điểm giao cắt giao thông quan trọng nối liền các tuyến giao thông phía Đông bắc như Hà Nội -Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đi qua đường vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại.

Bên cạnh đó, cũng theo quy hoạch, hệ thống metro Nam Hồ Tây - Láng - Hòa Lạc sẽ được xây dựng bên dưới hầm chui, nên việc thiết kế, thi công cũng phải đảm bảo tính lâu dài và đồng bộ. Vì vậy, đây là dự án hầm chui đầu tiên sử dụng công nghệ khoan cọc xi măng đất (Jet – Grouting). Công nghệ này cho phép xử lý sâu đến 50m, trong những địa hình phức tạp. Cụ thể, phần đáy hầm chui sẽ được đổ bê tông, cốt thép dày 1m, sau đó đổ tiếp một lớp bê tông dày 60cm để bằng mặt đường của hầm cũ là đại lộ Thăng Long. Được biết, hầm chui Trung Hòa được thiết kế với 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn, phần hầm qua gầm cầu cạn được nối liền với đoạn hầm hở của Dự án đại lộ Thăng Long. Nhằm rút ngắn thời gian thi công, Ban QLDA Thăng Long đã yêu cầu đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ, thi công 3 ca liên tục, sớm đưa công trình đi vào hoàn thiện trước 6 tháng so với tiến độ.

Có thể nói, với việc thông xe hai hầm chui hiện đại bậc nhất này, cả hai “điểm nóng” về ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, việc tham gia giao thông người dân cũng cần nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các biển chỉ dẫn và hướng dẫn của lực lượng CSGT khi tham gia giao thông, tránh tình trạng lấn làn, đi ngược chiều, nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Trước đó, hầm chui Kim Liên với chiều dài 140m, đường dẫn dài 100m, chiều rộng hầm 18,5m, chiều cao 6,25m, tổng vốn đầu tư hơn 467 tỉ đồng được khánh thành vào năm 2009, được coi là hầm chui hiện đại nhất của Hà Nội. Tuy nhiên, tại hầm chui này cũng đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm vì người tham gia giao thông không tuân thủ đúng luật.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này