Hội nghị lần thứ 11 BCH LĐLĐ Thành phố hà nội (khóa XV):

Hướng về cơ sở, vì người lao động

12:10 | 08/01/2016
Sáng 7.1.2016, hội nghị lần thứ 11 BCH LĐLĐ Thành phố (khóa XV) đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội và các Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố: Lê Thanh Đà, Đặng Minh Thuần, Vũ Kim Sơn, Đặng Thị Phương Hoa.
Hướng về cơ sở, vì người lao động
Kiên định mục tiêu vì người lao động

Hội nghị nhằm thảo luận, thông qua báo cáo tổng kết công tác CĐ, phong trào CNVCLĐ Thủ đô năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016; sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam, Đại hội XV CĐ Thành phố; thông qua dự thảo báo cáo hoạt động UBKT CĐ các cấp năm 2015, chương trình công tác năm 2016 và thảo luận, thông qua một số nội dung quan trọng khác.

Chú trọng chăm lo, bảo vệ người lao động

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Thành phố Lê Thanh Đà đã báo cáo tình hình CNVCLĐ, hoạt động CĐ Thủ đô năm 2015. Theo đó, mặc dù hầu hết các doanh nghiệp có CĐCS đã nghiêm túc triển khai quy định về mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ, song mức lương bình quân đạt 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng không đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT của NLĐ có chiều hướng gia tăng; các chế tài xử lý doanh nghiệp trốn đóng, chiếm đoạt, nợ đọng BHXH của NLĐ chưa đủ sức răn đe. Điều kiện làm việc của công nhân trực tiếp sản xuất, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chậm được cải thiện. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước diễn ra khá phổ biến...

Hướng về cơ sở, vì người lao động
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị.

Trước thực tế này, tổ chức CĐ Thủ đô đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên CĐ, NLĐ. Cụ thể, LĐLĐ Thành phố và các cấp CĐ đã chủ động, tích cực tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các dự thảo Luật, Nghị định liên quan đến pháp luật lao động, trong đó có sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 22.8.2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tham gia hội thảo về sửa đổi, bổ sung pháp luật Luật BHXH, BHYT, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… Các cấp CĐ Thủ đô cũng chủ động tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng hội nghị CBCCVC, hội nghị NLĐ và tăng cường tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể” được các cấp CĐ Thủ đô quan tâm thực hiện hiệu quả.

Đến nay, 61,15% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký Thỏa ước lao động tập thể, góp phần cụ thể hóa quy định của Bộ luật Lao động với các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Song song với đó, các cấp CĐ Thành phố còn phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật Lao động, Luật BHXH và Luật Công đoàn tại doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho NLĐ...Các hoạt động xã hội từ thiện, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ cũng được CĐ quan tâm đẩy mạnh như hỗ trợ xây dựng “Mái ấm Công đoàn”; duy trì hoạt động của các “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”; tổ chức thăm hỏi, trao trợ cấp khó khăn đột xuất hoặc thường niên vào các dịp lễ, Tết; tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa CNLĐ về quê ăn Tết, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm, cho CNVCLĐ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình v.v...

“Với những hoạt động thiết thực hướng, CĐ ngày càng khẳng định vai trò của mình với NLĐ. Dù đời sống, việc làm còn có những khó khăn, nhưng đại đa số CNVCLĐ Thủ đô luôn an tâm, phấn khởi, tin tưởng vào tổ chức CĐ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”- Phó Chủ tịch thường trực Lê Thanh Đà khẳng định.

Hoạt động công đoàn phải thực sự đổi mới

Sau khi nghe Phó Chủ tịch thường trực Lê Thanh Đà báo cáo đánh giá kết quả hoạt động CĐ Thủ đô năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016; sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam, Đại hội XV CĐ Thành phố, hội nghị tiếp tục nghe tờ trình về triển khai “Năm phát triển đoàn viên” và Chương trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS năm 2016 và tập trung thảo luận về các nội dung trên. Đồng thời, các ủy viên BCH LĐLĐ Thành phố cũng sôi nổi thảo luận về các vấn đề như: Hoạt động CĐ trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); về vấn đề tài chính CĐ; về xây dựng đời sống văn hóa cho NLĐ v.v... Đối với vấn đề phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS, các ủy viên BCH thống nhất cao với chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam lấy năm 2016 là “Năm phát triển đoàn viên” như một bước đột phá để tăng nhanh tỉ lệ NLĐ tham gia tổ chức CĐ và thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp và đồng tình với chỉ tiêu mà Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trên địa bàn thành phố còn rất nhiều khó khăn. Để hoàn thành chỉ tiêu, ngoài thực hiện các nhóm nhiệm vụ giải pháp truyền thống cũng như nhóm nhiệm vụ và giải pháp đột phá (vận động phát triển đoàn viên thành lập CĐCS theo phương pháp mới quy định tại Điều 17- Điều lệ CĐ Việt Nam), thì điều quan trọng là hoạt động CĐ phải thực sự có sức cuốn hút, hướng về cơ sở, NLĐ, bảo vệ tốt quyền lợi của NLĐ, khẳng định được vai trò của tổ chức CĐ đối với NLĐ. Đây cũng là vấn đề mấu chốt cho hoạt động CĐ trong bối cảnh có nhiều thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến thảo luận tập trung, sôi nổi, trách nhiệm của các ủy viên BCH và đồng tình với những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp cho các vấn đề hoạt động CĐ trong thời gian tới mà hội nghị đã thảo luận, thông qua. “Dù là nhiệm vụ, giải pháp nào đi nữa, thì mấu chốt của hoạt động CĐ vẫn là hướng về cơ sở, thật sự vì người lao động, tập trung chăm lo, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Có vậy, CĐ sẽ khẳng định được vai trò, vị thế của mình, có sức cuốn hút với NLĐ và vững vàng đối mặt với mọi thách thức ”- Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này