Thu phí đường bộ đối với các dự án BOT

Có bóng dáng bài toán lợi ích?

09:07 | 08/01/2016
Các doanh nghiệp vận tải, người dân hiện đang phàn nàn về mức phí đường bộ đối với các dự án xây dựng - hợp tác - chuyển giao (BOT) quá cao.
Ám ảnh trốn trạm thu phí phủ bóng đen lên các dự án BOT
Bộ GTVT có bỏ qua các dự án BOT?

Để xã hội hóa việc đầu tư các tuyến giao thông trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP thay thế 2 nghị định (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Nghị định 24/2011/NĐ-CP) về đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông theo hình thức BOT. Theo đó, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng đề xuất các dự án; lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; ký kết hợp đồng dự án; quản lý, triển khai xây dựng dự án và khai thác kinh doanh.

Có bóng dáng bài toán lợi ích?

Đối với dự án giao thông, mỗi dự án có điều kiện khác nhau, độ dài đoạn đường xây dựng, địa điểm xây dựng, cấp độ đường xây dựng dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án khác nhau, lưu lượng phương tiện qua lại của từng dự án khác nhau… Căn cứ vào tổng mức đầu tư từng dự án, địa điểm đặt trạm thu phí, lưu lượng phương tiện qua trạm, dự kiến phương tiện tăng trong những năm tiếp theo, Bộ GTVT phối hợp với các bộ tính toán và xây dựng phương án tài chính của dự án, bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án.

Dựa trên nghị định này, Bộ Tài chính cho rằng, với các dự án BOT giao thông, quy trình sẽ là Bộ GTVT đàm phán với các nhà đầu tư về phương án triển khai dự án; lập hồ sơ, thủ tục cấp phép đầu tư và ký kết hợp đồng BOT dự án theo quy định của pháp luật. Sau khi nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án đường bộ hoàn thành, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị với Bộ GTVT xem xét. Bộ GTVT sau khi tính toán mức thu phí cho từng dự án sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án. Bộ Tài chính chỉ ban hành thông tư trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT theo đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bao gồm xin ý kiến của các bộ, ngành, ủy ban nhân cấp tỉnh nơi đặt trạm thu phí, đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Tài chính và Chính phủ; giải trình tiếp thu hoàn thiện và ban hành thông tư thu phí.

Lý giải trên của Bộ Tài chính thực ra không thuyết phục. Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông, song liên quan đến dự án xét đến quy mô tài chính, nên riêng Bộ GTVT không thể quyết được, mà phải bàn bạc với hai bộ liên quan là Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính. Sau khi dự án hoàn thành, dựa trên các số liệu của nhà đầu tư, cả 3 bộ nói trên phải họp xem xét, tổng đầu tư cho dự án mà nhà đầu tư đã bỏ ra cho dự án là bao nhiêu? Quy mô thu hồi vốn là bao lâu? Với mức độ lưu thông hiện tại và trong 5 năm tới, xét trên góc độ tăng trưởng kinh tế, thì bao lâu sẽ thu hồi vốn? Trên cơ sở đó, 3 bộ sẽ họp và đi tới thống nhất “cho phép” nhà đầu tư thu mức phí thế nào là hợp lý. Thực tế, Bộ Tài chính cho rằng dự án của Bộ GTVT khi đưa sang thì Bộ Tài chính chỉ việc ban hành thông tư. Như vậy là thiếu trách nhiệm.

Không những thế, nhiều chuyên gia còn đặt ra câu hỏi phải chăng có bóng dáng bài toán lợi ích? Bộ GTVT khoán cho các nhà đầu tư trình lên bộ phương án mức thu; Bộ GTVT gửi sang Bộ Tài chính để ban hành thông tư hướng dẫn. Quy trình này sẽ rất nguy hiểm, và người lợi nhất là chủ đầu tư BOT, còn người thiệt nhất là cộng đồng doanh nghiệp và người tham gia giao thông.

Hà Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này