Cộng đồng học ngoại ngữ: Mô hình cần được nhân rộng

16:24 | 29/12/2015
Thúc đẩy việc học ngoại ngữ tại cộng đồng đang là một trong những mô hình được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích và áp dụng, đặc biệt trong các khối hoạt động đoàn, đội, các khu dân cư...
Việt Nam xếp thứ 29/70 quốc gia về năng lực tiếng Anh
Tiếng Anh mầm non: Mỗi nơi dạy một kiểu
Giáo trình dạy ngoại ngữ: Cần Việt hóa cho phù hợp

Giới trẻ hào hứng nhập cuộc

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ - hiện nay có tới 70 mô hình Câu lạc bộ (CLB) đã và đang hoạt động để thúc đẩy dạy ngoại ngữ tại cộng đồng, trong đó nhiều CLB ngoại ngữ đã ra đời từ tổ chức đoàn thanh niên - hội sinh viên các trường ĐH như: CLB yêu thích tiếng Anh (ĐH Thương mại), CLB phát triển kỹ năng sư phạm tiếng Anh (ĐH Quốc gia)... Mai Anh – một thành viên của CLB yêu thích tiếng Anh (ĐH Thương mại) - cho biết, từ trước tới nay, các phong trào Sinh viên tình nguyện, Mùa hè xanh... đã trở thành một thương hiệu của Đoàn trường. Tiếp tục phát huy sự cống hiến của sinh viên, thanh niên trong hoạt động cộng đồng ngoại ngữ khiến hoạt động Đoàn càng trở nên ý nghĩa và thiết thực hơn.

Cộng đồng học ngoại ngữ: Mô hình cần được nhân rộng
Câu lạc bộ học ngoại ngữ buộc có sự tham gia của phụ huynh là điểm nổi bật của English and Thinking home.

Tiêu biểu cho những người trẻ trong thúc đẩy cộng đồng học ngoại ngữ này là Lê Thị Thùy Dương - cán bộ Đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), chủ nhiệm CLB Phát triển kỹ năng sư phạm tiếng Anh. Hiện CLB đang có từ 2 - 3 giáo viên hoặc sinh viên có nhiều kinh nghiệm thay nhau hướng dẫn. Sinh hoạt nhóm 2 tiếng/tuần với các phương pháp khác nhau, mỗi buổi sinh hoạt được định hướng chủ đề kết hợp hướng dẫn kỹ năng. “Tăng thời lượng sinh hoạt nhóm với mảng kiến thức khác nhau, từ đó tạo cơ hội giao lưu giữa các nhóm, kết hợp nghe và xem video của người bản xứ... là định hướng của nhóm đang thu hút nhiều sự quan tâm của sinh viên trong trường” - Thùy Dương cho biết.

Ngoài ra, ứng dụng kiến thức tiếng Anh trong trò chơi tập thể, thảo luận, dã ngoại... cũng là những hoạt động được nhiều cán bộ Đoàn trường lựa chọn để triển khai. Đặc biệt, mô hình "Trò chuyện với người nước ngoài qua công cụ skype" được chia sẻ tại hội thảo "Định hướng triển khai các hoạt động ngoại ngữ trong công tác đoàn, hội sinh viên tại Việt Nam" vừa qua cũng là một trong những mô hình được đánh giá cao. Theo đó, chị Nguyễn Thị Diệu Hương - cán bộ Đoàn ĐH Thái Nguyên - cho biết, lợi thế của V-Skype là người học có thể chủ động đăng ký thời gian và thoải mái học tập ở bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Nhờ đó, việc kết nối với người nước ngoài để trò chuyện, trao đổi... càng thuận lợi hơn.

Những Tín hiệu vui

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 nhằm mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa...”.

Vấn đề được nhiều người quan tâm chính là làm sao để nghe và nói tiếng Anh chuẩn? Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng là thường xuyên giao lưu, kết nối với người nước ngoài. Về nội dung này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ cũng khuyến khích việc hình thành các khu vực học tiếng Anh, trong đó có khối cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cộng đồng dân cư; tổ chức đoàn - hội trong nhà trường để tiến tới cộng đồng học tập ngoại ngữ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, với mong muốn xây dựng một cộng đồng giáo dục hướng nghiệp lấy tiếng Anh là ngôn ngữ chủ đạo, các phụ huynh và bạn trẻ tâm huyết tại Hà Nội đã cùng nhau xây dựng cộng động “English and Thinking home” tại khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội). Mô hình này được nhiều người biết đến như một hoạt sinh ngoại ngữ của cụm dân cư. Điểm đặc biệt ở CLB này là các bậc phụ huynh buộc phải tham gia cùng con cái để tạo nên một công đồng bình đẳng trong quá trình học. “Ở lớp là bạn giỏi kèm bạn yếu. Phương châm là cả lớp cùng cố gắng đi lên. Bạn giỏi phải ý thức được mình cần kèm bạn yếu, nên giờ học của lớp lúc nào cũng sôi động...” – một vị phụ huynh tham gia CLB này chia sẻ.

Trao đổi với chị Nguyễn Liên – chủ nhiệm CLB - chúng tôi được biết, English and Thinking Home là một cộng đồng sinh hoạt nhiều lợi ích cho phụ huynh và học sinh. Vì vậy, mục tiêu của English and Thinking Home là tiến tới xây dựng một cộng đồng sử dụng tiếng Anh cho học sinh, cộng đồng giao lưu cho các bố mẹ để cùng xây dựng chương trình giáo dục con cái. Từ ngày 17.1.2016, cộng đồng sẽ tổ chức các ngày hội việc làm, các bạn sẽ tham gia phỏng vấn, thi tuyển để thử sức với các lĩnh vực nghề nghiệp đang được triển khai tại cộng đồng English and Thinking home.

Được biết, English and Thinking home hiện có hai mảng công việc: Các công việc mang tính lãnh đạo, quản lý, phát triển ý tưởng, phù hợp với những sinh viên, học sinh tự tin, năng động, đã tham gia nhiều hoạt động đoàn đội, ngoại khóa, giỏi kỹ năng có ý tưởng làm việc mới và muốn được phát triển thử sức với những ý tưởng đó (từ 16 đến 22 tuổi) và các công việc của nhân viên: phù hợp với những bạn trẻ chưa tự tin, ít tham gia ngoại khóa. Công việc của các bạn chủ yếu là thực hiện các công việc được giao để hoàn thiện kỹ năng (9 đến 15 tuổi- tiếng Anh ít nhất ở mức Flyer, học ít nhất 4 năm liên tục).

Có thể thấy mô hình hoạt động thúc đẩy cộng đồng học ngoại ngữ bắt nguồn “từ gốc” rất phù hợp với mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đặt ra trong Đề án "Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020".

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này