Giải tỏa áp lực “thừa thầy, thiếu thợ”

21:03 | 25/12/2015
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, việc nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề là hết sức cần thiết. Thời gian qua, TP. Hà Nội đã không ngừng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề, giải tỏa áp lực “thừa thầy, thiếu thợ” và thiếu nguồn lao động chất lượng cao như hiện nay.
Cận thận với lớp dạy kỹ năng cấp tốc
Nhiều bất cập trong chiến lược phát triển dạy nghề
Góp phần nâng cao nguồn nhân lực

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 7,3 triệu người, trong đó khoảng 4,4 triệu người ở trong độ tuổi lao động. Hằng năm, thành phố có gần 80.000 người bước vào tuổi lao động. Dự báo, giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm Hà Nội cần từ 130.000 đến 150.000 lao động và đến năm 2020, nhu cầu lao động cho toàn bộ nền kinh tế thành phố là hơn 4,5 triệu người. Nhưng trong thực tế hiện nay, Hà Nội lại là địa phương có tỉ lệ thất nghiệp cao trong cả nước. Nhu cầu về việc làm lớn, nhưng tỉ lệ lao động trẻ chưa qua đào tạo còn cao và việc định hướng nghề nghiệp chưa rõ, nên trong quá trình tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, cung ứng lao động đã gặp không ít khó khăn.

Giải tỏa áp lực “thừa thầy, thiếu thợ”
Đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu của thị trường. Ảnh minh họa

Một hạn chế nữa là: Nhằm thỏa mãn “cơn khát vào đại học”, không ít học sinh hiện đi tìm những trường thấp điểm và chọn những ngành ít người học để dự thi mà không cần biết, nghề đó sau này có phù hợp với mình hay không. Điều này dẫn đến tình trạng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, làm mất cân đối giữa cung - cầu lao động. Ngoài ra, số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở vùng đô thị, các quận nội thành, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo tại nông thôn còn rất thấp. Trong khi đó, thành phố đang thiếu hụt lao động trình độ cao trong các ngành về kỹ thuật, cơ khí, điện, điện tử, cơ điện, công nhân trong các ngành sản xuất các sản phẩm từ hóa chất, cao-su, nhựa... nhưng nhiều lao động đã qua đào tạo nói chung, qua đào tạo nghề nói riêng, lại không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN. Đó là chưa kể phần lớn lao động, không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, tính kỷ luật, kiến thức về pháp luật lao động...

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành, tuy tỉ lệ lao động qua đào tạo năm qua đạt 53,11% (trong đó lao động qua đào tạo nghề là 38,45%) nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn thực sự chuyển biến. Để đáp ứng mục tiêu có ít nhất 70% số lao động đang làm việc đã qua đào tạo, trong 5 năm tới, đòi hỏi phải có kế hoạch triển khai cụ thể.

Được biết, TP. Hà Nội hiện có 321 đơn vị, cơ sở dạy nghề. Trong đó, có 9 trường dạy nghề công lập trực thuộc, ba trường cao đẳng nghề, sáu trường trung cấp nghề trực thuộc Sở LĐ-TB&XH. Mỗi năm, các cơ sở này đã đào tạo nghề cho 150.812 lượt người. Các trường dạy nghề công lập của thành phố hiện đào tạo 37 nghề thuộc tám nhóm nghề và đến năm 2020 dự kiến đào tạo 44 nghề.

Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề, đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh dàn trải tràn lan.

Theo đó, để triển khai hiệu quả, thành phố sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối thông tin cung - cầu của thị trường lao động để phân tích, đánh giá và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề. Mở rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Gắn đào tạo nghề với sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các chính sách để khuyến khích, thu hút người học nghề bằng các chính sách như: Vay vốn học nghề; giảm, miễn học phí cho con em gia đình chính sách, hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ, đồng bào dân tộc thiểu số, người tàn tật...

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này