Kỳ III:

Đảm bảo tính công bằng trong tinh giản biên chế: Hướng tới xã hội công bằng

06:42 | 19/12/2015
Người dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng thuế để nuôi bộ máy hưởng lương. Vấn đề đặt ra, đã đến lúc cần có tỷ lệ cụ thể về số dân trên một công chức hưởng lương thì quá trình tinh giản biên chế mới đạt hiệu quả thực sự.
Tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi (kỳ 2)
Đảm bảo tính công bằng trong tinh giảm biên chế

Bình luận về bộ máy hành chính, bộ máy các cơ quan chính trị, đoàn thể (cơ quan hưởng lương ngân sách), PGS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nhân - công đoàn, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia kể câu chuyện rằng, các vương triều xưa mặc dù cấu trúc nhà nước còn khá sơ khai, nhưng cũng đã ban hành những quy định về cấu trúc hệ thống quan lại trong bộ máy chính quyền.

Đảm bảo tính công bằng trong tinh giản biên chế: Hướng tới xã hội công bằng
Tranh minh họa.

Nói nôm na về mặt khoa học là sẽ có bao nhiêu quan lại trên số dân hoặc ngược lại bao nhiêu dân thì cần một vị quan. Hiện nay khoa học về tổ chức bộ máy phát triển, kinh tế đã có bước tiến ở mức cao. Đặc biệt sự bùng nổ của công nghệ thông tin giúp cho năng suất lao động của con người cải thiện, thế nhưng chúng ta vẫn chưa có quy chuẩn về cấu trúc bộ máy dựa trên tổng thể dân số. Chính vì không có quy chuẩn cụ thể, nên bộ máy các cơ quan hưởng lương ngày một phình to.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do cơ quan hưởng lương ngân sách thời gian qua đã thành lập quá nhiều các đơn vị khiến cho biên chế tăng lên. Điển hình như ngành giáo dục - đào tạo, theo nghị quyết của Đảng, mỗi năm ngân sách Nhà nước phải dành ít nhất 20% cho đầu tư vào giáo dục- đào tạo, song theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có tới 90% tổng số tiền chi cho giáo dục dành để trả lương và các khoản phụ cấp theo lương khác. Chỉ khoảng 10% số tiền còn lại dành để đầu tư cho chuyên môn giáo dục, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học. Như vậy là quá ít so với nhu cầu, nên nhiều cơ sở giáo dục đều phải học “chay”, dạy “chay”. Ngoài nguyên nhân trên, phải thừa nhận thực tế cấu trúc bộ máy đang quá rườm rà, tổ chức rập khuôn từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, nhiều ban của Đảng đang trùng lặp với bộ máy của hệ thống chính quyền. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho số lượng công chức hưởng lương ngày càng nhiều. Biên chế nhiều, lương thấp, môi trường cạnh tranh hầu như không có dẫn tới năng suất lao động cũng thấp theo. Hệ lụy của những nguyên nhân trên khiến hiệu quả của bộ máy hưởng lương là không cao.

Trở lại quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tinh giản biên chế, PGS Vũ Quang Thọ đưa ra quan điểm: “Để đất nước thực sự phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu thì Đảng, Chính phủ phải thật quyết liệt trong việc gọn nhẹ hóa bộ máy trong hệ thống chính trị, chính quyền. 4.139 biên chế sẽ bị tinh giản trong năm 2016 trên phạm vi cả nước là tín hiệu tốt, song với số lượng này thì chỉ cần một địa phương rà soát lại cũng có thể tinh giản được như vậy”. Và vì vậy, bên cạnh khoảng 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách, thì hiện nay hệ thống cơ quan, đoàn thể bộ máy cũng rất cồng kềnh. Số lượng công chức, viên chức hưởng lương đã nhiều, số lượng các chức danh vừa hưởng lương vừa hưởng hệ số phụ cấp chức vụ cũng không ít. Ngân sách chi cho hệ số chức vụ có khi gần bằng tiền chi cho lương cơ bản.

Do đó, để ngân sách nhà nước không nặng gánh cho việc nuôi bộ máy hành chính; bộ máy của hệ thống chính trị, đoàn thể cồng kềnh, kém hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, quyết định tinh giản đối với 4.139 biên chế trong năm 2016 chỉ bước khởi đầu cho lộ trình tinh gọn bộ máy hành chính. Đã đến lúc các cơ quan hoạch định chính sách cần làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước triển khai Kết luận số 64- KL/TW ngày 28/05/2013 của Ban Chấp hành Trung ương tại hội nghị lần thứ 7 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, trong đó đề cập đến việc nghiên cứu thí điểm việc nhất thể hóa các cơ quan Đảng và chính quyền trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bất di bất bất dịch: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Hương Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này